Sử dụng thiết bị lãng phí, thiếu cơ sở phê duyệt giá
Theo ông Nguyễn Văn Tân - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - đơn vị chủ trì kiểm toán Chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015, kết quả kiểm toán đã được thông báo đến Bộ Y tế và tất cả các địa phương được kiểm toán. Cho đến nay, KTNN không nhận được bất kỳ văn bản nào phản hồi là không chấp nhận kết quả kiểm toán. Tất cả những kết luận kiểm toán đều có những bằng chứng cụ thể.
Tại Bộ Y tế, KTNN đã kiểm toán chọn mẫu 15 bệnh viện và phát hiện ra số tài sản theo nguyên giá còn sử dụng chưa hiệu quả, có phần lãng phí trị giá 150 tỷ đồng. Từ đó, KTNN đánh giá công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế có tình trạng lãng phí.
Cùng với việc dẫn ra số liệu, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III đã chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng trên. Trong đó có nguyên nhân do đầu tư không đồng bộ, không phù hợp với nhu cầu. Có những tài sản Bộ Y tế đưa xuống cho địa phương nhưng địa phương không cần, hoặc không sử dụng được. Có địa phương được đầu tư thiết bị nhưng lại chưa được xây dựng cơ sở lắp đặt thiết bị; hoặc có thiết bị rồi nhưng chưa có người vận hành. Một phần nguyên nhân khác là thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng cho nên có tình trạng thiết bị phải “đắp chiếu”.
Bên cạnh đó, qua đánh giá về việc quản lý giá vật tư, hóa chất, KTNN đã chỉ ra sự chênh lệch lớn về giá kế hoạch để nói lên công tác quản lý về giá của Bộ Y tế còn nhiều hạn chế, bất cập.
Thứ nhất, Bộ Y tế chưa có cơ sở dữ liệu về giá vật tư, hóa chất theo từng chủng loại nên khi phê duyệt giá kế hoạch chỉ hoàn toàn dựa vào thông tin mà các cơ sở cấp dưới, các bệnh viện đưa lên và thường đưa lên bao nhiêu là duyệt bấy nhiêu. Trong khi đó, các viện chỉ đưa ra 3-4 bản báo giá và báo giá của nhà cung cấp cũng không có cơ sở đối chứng để xác nhận giá có phù hợp hay không. Do vậy, có giám đốc bệnh viện đã thừa nhận cơ sở cung cấp giá sai nên Bộ cũng duyệt sai, dẫn đến kết quả đấu thầu xong nhà cung cấp không cung cấp được do giá quá thấp so với thực tế. Do dự toán chung chung và phê duyệt giá chung chung dẫn đến giá chênh lệch rất lớn và giá trúng thầu của nhiều trường hợp thấp hơn nhiều so với giá kế hoạch, có chỗ thấp hơn 50-70%, thậm chí có chỗ thấp hơn vài lần.
Thứ hai, Bộ Y tế phê duyệt giá vật tư, hóa chất rất chung chung, không rõ chủng loại, thông số kỹ thuật và sử dụng vào mục đích gì. Vì vậy, cùng là kim cánh bướm nhưng giá phê duyệt cao nhất dành cho Bệnh viện Chợ Rẫy là 7.350 đồng/cái, cao gấp 6,7 lần so với giá phê duyệt thấp nhất dành cho Bệnh viện Việt Đức là 1.090 đồng/cái; cùng là dây truyền huyết thanh nhưng giá phê duyệt cho Bệnh viện Việt Đức là 18.000 đồng/cái, cao gấp 4,8 lần so với giá phê duyệt cho Bệnh viện Bạch Mai (3.675 đồng/cái). Hoặc cùng một loại hóa chất nhưng giá phê duyệt cho các bệnh viện chênh lệch gấp 3 lần, thậm chí có loại chênh tới 5,8 lần…
Chỉ rõ nguyên nhânđể chấn chỉnh
Trước thực trạng trên, KTNN đã kiến nghị Bộ Y tế phải khắc phục, làm sao để giá có tác dụng cạnh tranh, ngăn chặn thất thoát, lãng phí. Khi KTNN thông qua kết luận kiến nghị kiểm toán tại Bộ, Bộ đã đồng tình rất cao với kiến nghị này - Kiểm toán trưởng Nguyễn Văn Tân cho biết.
Phân tích thêm tình hình mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế tại các địa phương để làm rõ hơn kết luận của KTNN, ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII - cho biết: Qua kiểm toán tại 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, chúng tôi nhận thấy giá trúng thầu của nhiều trang thiết bị bất hợp lý so với giá nhập khẩu của chính trang thiết bị đó. Do vậy, chúng tôi đã thực hiện kiểm toán lại giá dự toán của các gói thầu dựa vào Thông tư 04 năm 2010 của Bộ Xây dựng và so sánh với giá trúng thầu.
Kết quả cho thấy, giá trúng thầu so với giá CIF (giá nhập khẩu) cao hơn khoảng 2,5-3 lần, trong đó giá mua một số trang thiết bị cao hơn so với giá nhập khẩu khoảng 4-7 lần, cá biệt có thiết bị giá mua cao hơn 20 lần (giá mua 1 monitor 14 inch lên tới 114 triệu đồng nhưng giá nhập khẩu chỉ 5,3 triệu đồng). Các bệnh viện và các Sở Y tế lý giải trên thực tế họ không lấy được báo giá của nhà sản xuất mà phải lấy thông qua các DN nhập khẩu và họ cũng không lấy được từ hệ thống thông tin của Hải quan. Vì vậy, họ phải thực hiện quy trình thẩm định giá, sau đó lấy báo giá của nhà sản xuất cùng kết quả thẩm định giá để phê duyệt dự toán và tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Từ thực tế này, KTNN khu vực XII kết luận: Nếu những thông tin của các bệnh viện và các Sở Y tế là chính xác thì mặt bằng chung của giá trang thiết bị y tế trên thị trường Việt Nam hiện nay đang có sự bất hợp lý, nguyên nhân do chính sách độc quyền lựa chọn nhà phân phối của các nhà sản xuất. Nhiều nhà sản xuất chỉ cho phép 1 hoặc 2 DN ở Việt Nam nhập khẩu sản phẩm của họ, nên bất cứ DN nào trúng thầu cũng phải thông qua họ. Đây chính là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước về giá phải quan tâm. Nếu quản lý được giá trang thiết bị y tế công khai, minh bạch thì giá sẽ giảm và có lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng nhấn mạnh, qua nội dung kiểm toán này, KTNN mới đụng chạm đến một phần rất nhỏ với trách nhiệm cảnh báo ngành Y tế phải có các biện pháp chấn chỉnh, sửa đổi để đảm bảo cho công tác quản lý kinh phí của Nhà nước được chặt chẽ hơn, cũng như đảm bảo lợi ích của người dân. KTNN chịu trách nhiệm trước toàn Đảng, Quốc hội và nhân dân về các kết luận của mình!
“Nếu có thời gian, điều kiện và hành lang pháp lý cho phép để kiểm toán toàn diện về vấn đề đấu thầu thuốc, dược, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất y tế trên toàn quốc thông qua chọn mẫu những điểm lớn để đánh giá trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Y tế, trách nhiệm của người đứng đầu, sẽ còn nhiều vấn đề để bình luận”. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng |
PHÚC KHANG