3 năm thu hồi, hủy bỏ 1.500 dự án
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Trong năm 2018, ngành đã khắc phục tình trạng lãng phí, tăng cường nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh; cơ bản hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết nhu cầu nhà ở, phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong 3 năm, ngành đã đưa hơn 50.000 ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30.000 ha; hoàn thành sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp; thu hồi, chuyển cho các địa phương hơn 400.000 ha.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định về giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa đầu cơ, tăng thu từ đất lên trên 121.000 tỷ đồng, chiếm 12% thu ngân sách nội địa. Ngành cũng đã hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đối với 97,2% diện tích cần cấp; đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai của 161 huyện, quận; 8 tỉnh, thành đã thực hiện liên thông thủ tục với cơ quan thuế. Nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình, phương thức tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao.
Tài nguyên nước cũng đang được quản lý, sử dụng bền vững phục vụ an ninh nguồn nước, đẩy mạnh kinh tế hoá, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Ngành tài nguyên và môi trường đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt 7.000 tỷ đồng, năm 2018, thu hơn 850 tỷ đồng; điều tiết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thông minh nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng cho sản xuất, giảm lũ và phát điện. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Ủy hội Hội Mê Kông quốc tế, Bộ đã thúc đẩy lồng ghép được các ưu tiên trong chia sẻ nguồn nước, đảm bảo lợi ích của các quốc gia hạ nguồn gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất các sáng kiến, thúc đẩy hợp tác với các đối tác Phát triển và Đối thoại; xây dựng các giải pháp ứng phó phù hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiềm năng khoáng sản, giá trị về địa chất từng bước được chuyển hoá thành các nguồn lực. Ngành đã xác định nhiều vùng, nhiều loại khoáng sản tiềm năng như: urani Quảng Nam, đồng Kon Tum, vàng, thiếc, wonfram và khoáng chất công nghiệp vùng Tây Bắc. Tiềm năng khoáng sản đã được chuyển hoá thành nguồn lực thông qua đấu giá các mỏ, thu ngân sách năm 2018 đạt 4.000 tỷ đồng. Tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông đã từng bước được ngăn chặn.
Thách thức trong giai đoạn mới
Đánh giá về những thành tích đạt được của ngành môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác quản lý tài nguyên và môi trường còn một số hạn chế và thách thức, đó là: nhu cầu khai thác, sử dụng các nguồn lực tài nguyên ngày càng tăng, đòi hỏi cần phải có các giải pháp sử dụng hợp lý, tránh xung đột; khiếu kiện về đất đai đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp ở một số địa phương; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong quản lý tài nguyên nước; ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài.
Đưa ra những giải pháp cho vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt những mục tiêu trọng tâm trong năm 2019 như: cần nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, đổi mới công tác định giá đất, giải quyết các vấn đề trong khai thác nguồn lực đất đai; thực hiện công tác kiểm kê đất đai, quỹ đất công ích; tập trung xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, giải quyết vấn đề đất đai của nông, lâm trường; tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong quản lý tài nguyên đất đai, quy hoạch đất đai.
Bên cạnh đó, từng bước phát huy giá trị địa chất, địa mạo, khoáng sản chiến lược; điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch khoáng sản; tập trung điều tra khoáng sản ở các vùng có nhiều tiềm năng, các khoáng sản chiến lược; đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đồng thời, Bộ sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, điều tra tai biến địa chất phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh các nguy cơ sạt lở, sụt lún; ngăn chặn khai thác cát sỏi, phòng chống sạt lở bờ sông, ven biển; triển khai đánh giá tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng ở một số vùng trọng điểm; ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; tăng diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt tối thiểu 4,2% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi rừng ngập mặn ven biển…
Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành tài nguyên và môi trường thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tài nguyên và môi trường là 1 trong 3 vấn đề trụ cột phát triển của đất nước. Do đó, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần làm sao để phát huy được nguồn lực, kinh tế tài chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, công tác xã hội hóa ngành tài nguyên và môi trường; đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, giao quyền; đánh giá tác động môi trường ở các dự án...
LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 17-01-2019