(BKTO) - Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, cân nhắc các chính sách ưu đãi nhằm hướng đến thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng phát triển sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cần hướng đến khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư. Ảnh: chinhphu.vn
Thay đổi phương thức tính ưu đãi thuế đầu tư mở rộng
Tham gia thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 7 mới đây, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho biết, theo Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trình Hội nghị, doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi nếu đầu tư mở rộng sẽ chỉ được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại của dự án.
Ví dụ, dự án được ưu đãi 20 năm, đã thực hiện 15 năm, thì phần đầu tư mở rộng chỉ được hưởng ưu đãi 5 năm còn lại. Tuy nhiên, nếu dự án đã hết thời gian ưu đãi, việc đầu tư mở rộng sẽ được hưởng ưu đãi theo cơ chế mới.
Theo đại biểu, quy định này tạo ra sự bất hợp lý, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng trong quá trình hoạt động. “Doanh nghiệp sẽ có xu hướng trì hoãn đầu tư mở rộng đến khi dự án kết thúc để được hưởng ưu đãi tối đa. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư mà còn gây ra các thủ tục hành chính phát sinh” - đại biểu Cường nói.
Để khắc phục vấn đề này, đại biểu đề xuất thay đổi phương thức tính ưu đãi dựa trên tỷ lệ vốn đầu tư mở rộng so với tổng vốn đầu tư. Theo đó, tỷ lệ vốn đầu tư mở rộng càng lớn, thời gian ưu đãi càng dài so với thời gian còn lại của dự án. Ngược lại, tỷ lệ vốn đầu tư mở rộng nhỏ sẽ tương ứng với thời gian ưu đãi ngắn hơn. Phương pháp này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng liên tục trong quá trình hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả đầu tư.
Dẫn quy định tại điểm c khoản 6 Điều 13 về ưu đãi thuế suất cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) cho rằng quy định về số lượng lao động tối thiểu để được hưởng ưu đãi thuế suất như vậy là quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương có tỷ trọng đầu tư thấp. Do đó, đại biểu kiến nghị Dự thảo Luật xem xét giảm số lượng lao động tối thiểu xuống trên 3.000 lao động.
Việc giảm số lượng lao động tối thiểu sẽ mang lại nhiều lợi ích như: phát huy hiệu quả chính sách ưu đãi thuế suất, tạo động lực cho các nhà đầu tư; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa phương có tiềm năng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ mở rộng quy mô sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm.
ĐBQH Tô Ái Vang
Đề xuất miễn thuế cho đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận
Liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ công, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đề xuất cần miễn thuế cho doanh nghiệp tư hoạt động phi lợi nhuận.
Đại biểu phân tích, theo quy định hiện hành, các tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy việc xã hội hóa nhưng không phải là đơn vị công lập, ví dụ các bệnh viện tư, trường học dân lập được hưởng mức ưu đãi cao nhất là miễn thuế TNDN đối với phần để lại không chia. Đây là chính sách để khuyến khích phát triển các đơn vị giáo dục ngoài công lập vì mục đích phi lợi nhuận.
Do đó, tiền đóng học phí, viện phí cho các tổ chức này cũng không nhằm mục tiêu lợi nhuận hay chia lợi nhuận cho các cổ đông mà để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phục vụ chính cho người học, người bệnh. Đây là hướng khuyến khích phát triển và rất cần thiết cần đưa vào Luật để miễn thuế TNDN đối với các doanh nghiệp tư và dịch vụ tư hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận.
Tương tự, đại biểu cho rằng các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng cần được coi là các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận và được miễn thuế TNDN, nhằm khuyến khích các đơn vị tiếp tục hoạt động ngày một tốt hơn để cung ứng các dịch vụ đến người dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ, theo quy định của Dự thảo Luật thì toàn bộ những đơn vị công lập như trường công, bệnh viện công, nếu không nhận hỗ trợ từ ngân sách, thực hiện cơ chế tự chủ thì không thuộc đối tượng được miễn thuế TNDN. Trên thực tế, tiền của những đơn vị này là thu từ học phí của người học, từ viện phí của bệnh nhân và phải dành một tỷ lệ để đóng thuế TNDN. Như vậy, vô hình trung, chính sách này đang đẩy giá dịch vụ y tế, học phí của những đơn vị thực hiện tự chủ cao lên.
Khi các trường thực hiện tự chủ lại tăng thêm thuế này là đang đi ngược lại với mục tiêu về đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị sửa đổi quy định theo hướng không thu thuế TNDN đối với những đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ như y tế, giáo dục.
Bên cạnh đó, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) chỉ ra, so với Luật hiện hành, khoản 4 Điều 10 của Dự thảo Luật đã bổ sung hoạt động chế biến không được áp dụng thuế suất thông thường từ 20% mà áp dụng thuế suất là 50% và không được sử dụng ưu đãi thuế TNDN.
Theo báo cáo, mục đích của quy định này nhằm hướng hoạt động chế biến thô và các dự án thực hiện đồng thời hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến thô. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật chưa phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành cũng như chưa phù hợp với định hướng phát triển nền công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản tiên tiến, hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, thúc đẩy chế biến sâu và gia tăng giá trị.
Theo đại biểu, hoạt động chế biến sâu tài nguyên, khoáng sản đòi hỏi công nghệ hiện đại và dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến nên quy mô vốn đầu tư rất lớn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này luôn đối diện với áp lực thay đổi công nghệ để phù hợp với xu thế của thế giới, đảm bảo tính cạnh tranh, giảm thiểu tối đa nguyên, vật liệu đầu vào; đồng thời nâng cao tỷ lệ khoáng sản có ích, thu hồi các khoáng sản đi kèm với ô nhiễm môi trường.
“Việc gia tăng thuế suất, tước quyền ưu đãi thuế của doanh nghiệp hoạt động chế biến sẽ làm giảm nguồn đầu tư tài sản công nghệ, ảnh hưởng đến giá trị gia tăng của sản phẩm và sức cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp. Như vậy, việc bổ sung quy định như Dự thảo Luật là chưa chuyển tải được định hướng chính sách thuế thu nhập của doanh nghiệp, hạn chế chế biến thô và chưa phù hợp với định hướng chung lâu dài, ảnh hưởng đến phát triển ngành công nghiệp chế biến Việt Nam” - đại biểu Tráng A Dương nhấn mạnh và đề nghị nghiên cứu kỹ và thận trọng khi sửa đổi, bổ sung quy định này.
Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.
(BKTO) - Mới đây, Công ty Cổ phần CNG Vietnam (PV GAS CNG) và Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam (FEPV) đã chính thức ký kết hợp đồng mua bán khí thiên nhiên (CNG/LNG). Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai doanh nghiệp, khẳng định cam kết hướng tới nền kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.
(BKTO) - Theo các chuyên gia, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, chi phí kinh doanh không chỉ là nguồn lực mà còn là cơ hội đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Do đó, việc đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh sẽ giúp giảm “gánh nặng”, cũng như mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn cho DN.
(BKTO) - Với mục tiêu cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã tăng cường kiểm tra rà soát, bảo dưỡng sửa chữa toàn bộ các trạm biến áp, đường dây và đôn đốc tiến độ các công trình đầu tư xây dựng để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn trong mùa hè 2025.