Phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hướng đến Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Diễn đàn "Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

z4266900167315_0c6785cbbe0d82951052d535af40c3c8.jpg
Quang cảnh Diễn đàn văn hóa với chủ đề "Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Diễn đàn Văn hóa với chủ đề "Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam"; góp phần thực hiện cụ thể hóa nhiệm vụ Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 về xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bô trưởng khẳng định, đất nước Việt Nam tươi đẹp, có nền văn hóa đặc sắc lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em đã đồng lòng tạo nên một lịch sử dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm, có sự gắn kết cộng đồng, trong đó mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, đó là đặc trưng đồng thời là quy luật phát triển của văn hóa nước nhà. Đó là yếu tố để làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và tạo sự hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam góp phần định vị bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng, các dân tộc Việt Nam vốn có tinh thần khoan dung, sáng tạo để thúc đẩy hòa bình và chia sẻ tình đoàn kết, nhân ái vì cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng, nhân loại. Ngoài ra, con người Việt Nam còn có khả năng thích ứng linh hoạt, có bản lĩnh vững vàng khi phải đối mặt với những thách thức lớn. Những phẩm chất đáng quý ấy là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để chúng ta xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm chủ quyền quốc gia, dân tộc, giải quyết những thách thức của thời đại.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hóa trong chính trị và phát triển văn hóa trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hoá, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc. Do đó, việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc là công việc cần làm, theo hướng bền vững và thực hiện từng bước, từng nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm. Để khai thác được nguồn lực văn hóa, phát triển con người chúng ta cần phải quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trong đó, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Theo cách tiếp cận đó, Bộ trưởng mong muốn, về phía Nhà nước, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cần nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư cho văn hoá, bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá văn hoá, đào tạo nhân lực văn hoá.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để năng cao nhận thức về văn hóa nói chung, văn hóa của các dân tộc nói riêng; đồng thời tìm giải pháp để phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa các dân tộc bền vững trong tình hình mới../.

Cùng chuyên mục
Phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững