Phát huy hiệu quả của nguồn vốn
Cùng với một số hộ dân khác, năm 2021, anh Nguyễn Minh Thái (xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã (HTX) mắm cá mào gà, từ nguồn vốn tín dụng chính sách 50 triệu đồng. Với số vốn này, HTX đã từng bước đi vào hoạt động và phát triển sản phẩm theo hướng OCOP. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, HTX đã tiếp tục vay vốn và mở rộng thêm nhiều sản phẩm như: tôm khô, cá khô, nước mắm...
“Hiện nay, doanh thu HTX đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà tôi có thể thực hiện được ước mơ khởi nghiệp của mình” - anh Huân cho biết; đồng thời mong muốn sẽ tiếp cận được thêm những dòng vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng sản xuất của HTX.
Đây cũng là một trong hàng nghìn HTX nông nghiệp thời gian qua từng bước thay đổi diện mạo nhờ vào nguồn vốn tín dụng.
Thúc đẩy tín dụng “tam nông” phát triển là một mục tiêu cốt lõi trong chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp - nông thôn một cách bền vững.
Đến ngày 30/6/2024, chỉ riêng tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 4.612 tỷ đồng với 18.370 dự án cho hơn 145.769 hộ tham gia vay vốn…
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết, ngành ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên cần tập trung vốn tín dụng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; phát triển các chương trình, gói cho vay phù hợp với đối tượng là nông dân, khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp…
Tháng 4/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Ngân hàng Nhà nước ký kết quy chế phối hợp thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn, qua đó tiếp tục tạo thuận lợi trong việc hỗ trợ nông dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT), xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng trong nông nghiệp, tháng 5/2023, Bộ NNPTNT đã ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) về hợp tác đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp gắn với bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển vùng nguyên liệu.
“Cùng với các chính sách chung, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp với ngành ngân hàng đã thúc đẩy việc đưa nguồn vốn tín dụng đến với nông dân, HTX được thuận lợi hơn” - ông Phong cho biết.
Là một trong những tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp lớn nhất hiện nay, đại diện Agribank chia sẻ, đến ngày 31/8/2024, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là hơn 1 triệu tỷ đồng với 2,8 triệu khách hàng, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm năm 2015 - khi bắt đầu triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn vốn này đã giúp cho hàng triệu khách hàng là nông dân, HTX ổn định, mở rộng sản xuất và từng bước thay đổi cuộc sống, vươn lên làm giàu từ nông nghiệp.
Ở góc độ tổ chức đại diện cho nông dân, ông Vũ Duy Hưng (Quỹ Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân Việt Nam) nhận định, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam thông qua hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân và chương trình phối hợp với ngành ngân hàng đang tích cực tham gia rất hiệu quả vào việc đưa vốn tín dụng đến hội viên, nông dân một cách hiệu quả.
Để nguồn vốn đến với nông dân kịp thời hơn...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cho vay phát triển sản xuất trong lĩnh vực “tam nông” vẫn còn gặp những rào cản nhất định, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết trong các khâu sản xuất… Những yếu tố này khiến cho khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nông dân gặp khó khăn.
Trong khi đó, mức cho vay còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh nông sản. Các gói vay chưa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhất là với các loại hình sản xuất mới như nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...
Theo bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, việc tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực HTX, trọng tâm là các HTX nông nghiệp cần có các giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía. Trong đó, phía cơ quan chức năng cần thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đưa quy định về hỗ trợ tín dụng trong Luật HTX (sửa đổi) vào cuộc sống, thực hiện đồng thời với các chính sách khác về công nghệ, phát triển thị trường cho nông sản.
Về phía ngành nông nghiệp, nông dân cần đẩy mạnh đổi mới mô hình sản xuất, tạo dấu ấn, niềm tin cho các tổ chức tín dụng vì đặc thù vay trong nông nghiệp thường không có tài sản đảm bảo.
Đại diện Quỹ Hỗ trợ nông dân kiến nghị, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng nông nghiệp, nông thôn thông qua phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức khảo sát nhu cầu để xây dựng sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng phân khúc khách hàng; đồng thời mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ; tăng cường lồng ghép có hiệu quả giữa việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả…
Đồng thời, tạo cơ chế thuận lợi để Hội nông dân các cấp tổ chức thực hiện các hình thức vận động nguồn lực xã hội cho Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng nhân rộng mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp…
Để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, các ý kiến đề nghị, địa phương, tổ chức - nơi có người dân, thành viên vay vốn cần phối hợp với tổ chức tín dụng để thẩm định, đảm bảo nguồn vốn vay đến với nông dân được thuận lợi, đúng đối tượng và quan trọng hơn là để người vay vốn không có tâm lý ỷ lại, từ đó có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn vào sản xuất.
Đồng thời, ngành ngân hàng có cơ chế xử lý nợ đối với khoản vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP để tạo điều kiện cho nông dân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào sản xuất...
Đặc biệt, trong bối cảnh nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển hướng sang các mô hình sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ, yêu cầu về ứng dụng khoa học công nghệ lớn đòi hỏi các tổ chức tín dụng cần có thêm những sản phẩm tín dụng phù hợp, ưu đãi hơn cho nông dân.
"Việc giải ngân các gói tín dụng này cần phải đảm bảo kịp thời hơn, vì khác với nông nghiệp truyền thống, các mô hình sản xuất mới không cho phép có độ trễ" - chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy lưu ý.