Ảnh minh họa. Nguồn:baodaklak.vn |
Hiện trạng cơ cấu năng lượng
Theo báo cáo Bộ Công thương, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp trong nước liên tục tăng trưởng, bình quân đạt 4,64%/năm, tương đương 71,903 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu nguồn cung năng lượng sơ cấp đã thay đổi theo hướng tích cực, năng lượng sinh khối phi thương mại đã giảm nhanh, thủy điện tăng... Tổng công suất các nguồn điện tăng, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tăng. Năm 2019 sản lượng điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam sản xuất và mua đạt mức 231,10 tỉ kWh, tăng 8,85% so với năm 2018. Đáng chú ý tỉ trọng sản lượng điện từ các nguồn điện gió và mặt trời tăng mạnh từ 0,79 tỉ kWh vào năm 2018 lên 6,10 tỉ kWh vào năm 2019.
Ông Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện. Đồng thời, từng bước nâng cao tỉ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ than nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Hiện nay, do sự phát triển kinh tế xã hội, các nguồn cung năng lượng trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp, vì vậy cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn năng lượng.
Đa dạng hóa nguồn năng lượng
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các cơ chế khuyến khích đối với các dự án năng lượng tái tạo gồm: Thủy điện nhỏ (công suất từ 30MW trở xuống), điện gió, điện mặt trời và chất thải rắn... Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đang hoàn thiện để ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch điện VIII nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng, đa dạng hóa nguồn năng lượng theo hướng phát triển bền vững, đặt ra các mục tiêu phù hợp về tỉ trọng các nguồn năng lượng bao gồm năng lượng tái tạo theo từng giai đoạn...
Theo báo cáo của Bộ Công thương, phát triển hệ thống điện giai đoạn 2011-2020 cơ bản đáp ứng an ninh năng lượng quốc gia, là cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, các nguồn điện năng lượng tái tạo cũng đã có bước phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, để giảm thiểu phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính cần tiếp tục đa dạng nguồn năng lượng, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã và đang thúc đẩy cải thiện hiệu quả năng lượng thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp, đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia; đồng thời đề ra nhiều giải pháp huy động nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đảm bảo ngành năng lượng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tại diễn đàn "Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020" mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Để đảm bảo phát triển bền vững năng lượng quốc gia, ngành năng lượng cần thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng các công nghệ để sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, đồng thời chuyển giao và làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để lựa chọn, làm chủ cũng như phát triển công nghệ và nội địa hóa công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực năng lượng cần có sự đồng bộ của hệ thống chính sách, cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.