Phát triển công nghiệp điện ảnh - ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh | 12/12/2022 14:48

Ngành công nghiệp Điện ảnh (CNĐA) có vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước và có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế mỗi quốc gia. Nhiều nước rất thành công trong việc quảng bá hình ảnh đất nước thông qua ngành CNĐA như Hàn Quốc và một số nước khác. Tại Việt Nam, văn hóa, trong đó có điện ảnh ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, nhằm phát huy giá trị bản sắc độc đáo của dân tộc, từ đó gửi gắm trọng trách “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như lời dạy của Bác.

nh174125341.jpg
Điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, giúp lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc đến rộng rãi trong nhân dân, bạn bè quốc tế. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Nền tảng pháp lý cho phát triển CNĐA

Trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp văn hóa, điện ảnh đóng vai quan trọng, giúp lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc.

Để điện ảnh có thể phát triển đúng hướng, đúng yêu cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố khách quan và quan trọng đầu tiên là luật pháp phải tạo được hành lang pháp lý để Điện ảnh Việt Nam phát triển.

Luật Điện ảnh năm 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, đã kế thừa có chỉnh sửa, bổ sung 32 điều và quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Luật có những điểm mới cơ bản, góp phần khẳng định vai trò của điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế; CNĐA trở thành một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, CNĐA quy định tại khoản 2 Điều 5 đã thể hiện rõ hơn cơ chế của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, để xây dựng ngành CNĐA gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 1.207 phòng chiếu phim với 171.552 ghế, doanh thu chiếu phim đến cuối năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, doanh thu cuối năm 2020 ước đạt 1.700 tỷ đồng (do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Hiện nay, trong tổng số các phòng chiếu, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm gần 20%, thành phần tư nhân chiếm trên 80%.

Điện ảnh phấn đấu trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Về phát hành phim, tại Chương III đã có những quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim. Về phổ biến phim, tại Chương IV có riêng Điều 21 quy định về Phổ biến phim trên không gian mạng.

Những điểm mới trong Luật Điện ảnh năm 2022 cho thấy sự phát triển nhanh chóng của điện ảnh trong sự phát triển của kinh tế - xã hội; đặc biệt là sự bùng nổ của Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ tới đời sống của mỗi con người, mỗi quốc gia trên con đường phát triển, của truyền thống và công nghệ, của bản sắc văn hóa và đa dạng văn hóa… và những người làm điện ảnh sẽ đứng trước cơ hội làm mới mình, bởi điện ảnh là một ngành nghệ thuật được sinh ra và phát triển cùng các bước tiến của công nghệ.

Xu hướng mới trong thụ hưởng tác phẩm điện ảnh

Nghệ thuật điện ảnh sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển rộng khắp trên toàn cầu (từ năm 1895) đang chứng kiến nhiều sự thay đổi nhanh chóng, phù hợp với thời cuộc. Nhu cầu thưởng thức phim cũng đã có nhiều đòi hỏi đa dạng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống luôn đổi mới. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộn đặc biệt nghiêm trọng mọi mặt của đời sống xã hội, việc đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng buộc con người ngày càng gắn liền với các nền tảng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực từ sản xuất, y tế, giáo dục, giải trí....

Nói cách khác đại dịch Covid-19 làm thúc đẩy quá trình công nghệ hóa một cách nhanh chóng và sâu sắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ngay cả khi đại dịch qua đi thì phương thức sản suất, hành vi, thói quen sinh hoạt, nhu cầu hưởng thụ của người dân sẽ chuyển sang một trạng thái mới dựa trên sự góp mặt của các nền tảng công nghệ thông tin ngày càng phát triển nhanh chóng đặc biệt trong lĩnh vực giải trí.

Hai năm trở lại đây, hàng loạt rạp chiếu phim phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng khiến kế hoạch ra rạp của nhiều siêu phẩm điện ảnh bị đảo lộn. Khán giả thay vì thưởng thức điện ảnh trên các hàng ghế trước màn ảnh rộng đã buộc phải từ bỏ thói quen đi xem rạp và chọn hình thức xem phim tại nhà.  Chính sự thay đổi đột ngột xu hướng hưởng thụ điện ảnh này khiến các nhà sản xuất không còn cách nào khác là phải tìm tới các nền tảng phát hành và phổ biến phim trực tuyến như một "cứu cánh" cho đầu ra của phim, trong đó bao gồm cả những phim “bom tấn” - hình thức mà trước đây trong điều kiện bình thường họ không mấy mặn mà.

1442531030-20150525-theo-chan-chieu-bong-luu-dong-2.jpg
Nhu cầu thưởng thức điện ảnh đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi ngành Điện ảnh phải nhanh chóng bắt nhịp, thích ứng. Ảnh: Cục Điện ảnh

Cùng với sự trợ giúp nổi bật của công nghệ 4.0 trên các nền tảng trực tuyến, các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách, đồng thời cũng thích ứng các quy định về giãn cách xã hội; khán giả có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với sự lựa chọn phong phú trong các kho phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột đã có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà hay tới bất cứ đâu với chi phí thấp hơn nhiều so với việc ra rạp.

Nhận thức rõ sự thay đổi đó và không nằm ngoài xu hướng phát triển của CNĐA toàn cầu, điện ảnh Việt Nam tích cực xây dựng, phát triển các nền tảng chiếu phim trên không gian mạng. Chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên Internet kết hợp với các nền tảng phát triển điện ảnh, gắn với phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó có CNĐA.

Đây chính là động lực để ngành Điện ảnh theo đuổi quyết tâm lớn trong việc chuyển đổi số toàn bộ kho phim Việt, đặc biệt đối với số lượng rất lớn phim Việt Nam, những tư liệu hình ảnh từ thời kỳ Điện ảnh Cách mạng Bưng biền - Nam Bộ (1947) tới Đồi Cọ - Thái Nguyên (1953) mang trong mình những giá trị như di sản tư liệu hình ảnh động quốc gia có tính độc bản, khi truyền hình và các phương tiện truyền thông hiện đại khác còn chưa thể có tại Việt Nam.

Năm 2013 có thể coi như dấu mốc khi hoạt động sản xuất phim Việt Nam hầu như đã hoàn toàn chuyển từ công nghệ phim nhựa sang công nghệ phim kỹ thuật số. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 (năm 2013), hai bộ phim truyện Những người viết huyền thoại (Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất) và Scandal - Bí mật thảm đỏ (Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân và Công ty Giải trí Ngôi sao sản xuất) cùng được vinh danh khi đạt Giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho Phim truyện xuất sắc là một minh chứng rõ nét về sự chuyển đổi này.

Có thể nói, sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi ngành CNĐA đặc biệt trong xây dựng nhân vật, diễn viên, diễn xuất, kỹ xảo điện ảnh,... việc sản xuất phim kỹ thuật số là xu hướng tất yếu hiện nay. Lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (big data) cũng là một lĩnh vực sẽ có những tác động đáng kể đến điện ảnh. Các hoạt động quảng bá phim, bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực tuyến, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến… đang diễn ra ngày càng phổ biến. Công nghệ thực tế ảo cũng được dự đoán sẽ là công nghệ thay thế cho phim 3D hiện tại và làm thay đổi cách thức sản xuất phim cũng như thị hiếu của công chúng. Luật Điện ảnh sửa đổi được ban hành là hành lang pháp lý để lĩnh vực điện ảnh nói chung và hoạt động ứng dụng công nghệ trong quản lý, phát triển công nghiệp điện ảnh, sản xuất, phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng... được tốt hơn, phù hợp với xu hướng công nghệ hiện nay.

Hơn bao giờ hết, để xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh, việc xây dựng nền tảng số chính thức của Nhà nước, đưa quy định pháp luật vào cuộc sống để phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, giới thiệu văn hóa đất nước, con người Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh có giá trị về nội dung và tư tưởng; lan tỏa rộng rãi tinh thần “Người Việt yêu phim Việt”.

Cùng chuyên mục
Phát triển công nghiệp điện ảnh - ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa Việt Nam