Đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng
Khi mới thành lập, KTNN chỉ có hơn 60 công chức, kiểm toán viên (KTV); đến năm 2010 có 1.130 công chức, KTV và đến nay, toàn Ngành đã có 2.303 công chức, viên chức, KTV. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, KTV của KTNN từng bước được tăng cường, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, chuyên nghiệp với 100% KTV nhà nước có trình độ đại học trở lên, trong đó có 46 tiến sĩ và 1.200 thạc sĩ.
Để xây dựng và phát triển ngành KTNN có năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, KTNN xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, và không ngừng đổi mới cả về nội dung, hình thức, thích nghi với môi trường công nghệ kiểm toán hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong 30 năm qua, KTNN đã tổ chức 1.377 lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 75.448 lượt công chức, viên chức, người lao động; 384 lớp tin học cho 11.870 lượt công chức, viên chức để thực hiện mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; gần 2.457 lượt công chức, viên chức được cử tham gia hội thảo, khảo sát học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, học các chứng chỉ KTV quốc tế ACCA, CPA...
Phương châm của KTNN là xây dựng đội ngũ nhân lực tinh thông nghiệp vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, chăm chỉ, tỉ mỉ, trung thực. Vì vậy, toàn thể cán bộ, công chức, KTV của KTNN phải nỗ lực và cố gắng hơn nữa để nâng cao năng lực chuyên môn.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Đặc biệt, ngày 26/10/2021, KTNN đã ban hành Quyết định số 1801/QĐ-KTNN về Quy định đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Tiếp đó, ngày 04/11/2021, KTNN đã thành lập Ban xây dựng nội dung đánh giá và ngân hàng câu hỏi phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Sau khi ngân hàng câu hỏi được hình thành, hằng năm, KTNN tổ chức rà soát danh mục văn bản, tài liệu và hệ thống ngân hàng câu hỏi, đáp án nhằm nâng cao chất lượng câu hỏi, tính chính xác của đáp án; đồng thời tăng cường gắn kết câu hỏi với thực tế hoạt động kiểm toán của KTNN và bổ sung các kiến thức mới. Đây là một điểm mới đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kể từ khi thành lập Ngành.
Cùng với đó, KTNN đã tổ chức 2 kỳ đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN trong các năm 2023 (553 thí sinh tham gia) và 2024 (468 thí sinh tham gia), tiến tới tổ chức định kỳ hằng năm đảm bảo mỗi KTV được đánh giá năng lực ít nhất 3 năm/lần. Việc tổ chức các kỳ đánh giá đã thể hiện nỗ lực của KTNN nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiến tới hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của KTNN. Kết quả của các kỳ đánh giá cũng là cơ sở để KTNN lựa chọn các KTV có năng lực tham gia hoạt động kiểm toán; đồng thời hình thành văn hóa tự học, tự trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất của người KTV nhà nước “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”.
Năm 2024, KTNN dự kiến tổ chức khoảng 80 lớp đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh các lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật các văn bản pháp luật, KTNN sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo về kỹ năng kiểm toán điều tra, nắm bắt tâm lý đối tượng kiểm toán và đào tạo mới kỹ năng quản lý kiểm soát cảm xúc. Ngoài ra, KTNN sẽ phân cấp đào tạo cho 32 đơn vị trong Ngành để đảm bảo công tác đào tạo đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc
Đào tạo chuyên sâu gắn liền với từng lĩnh vực, nội dung kiểm toán
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã xác định: “Nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực, đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ; trong đó tập trung phát triển đội ngũ công chức, KTV nhà nước đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”. Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ cũng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động KTNN để góp phần phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực; nâng cao trách nhiệm giải trình, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Để đáp ứng yêu cầu và xu thế trên, điều quan trọng là KTNN phải xây dựng đội ngũ KTV vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng, thời gian tới, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của KTNN cần được đổi mới, cập nhật kiến thức về hồ sơ, mẫu biểu, quy trình, chuẩn mực kiểm toán. Trong đó, định hướng đào tạo theo cả chiều rộng và chiều sâu. Cụ thể, mở rộng các lớp đào tạo về quy định pháp luật, các nghị định, thông tư mới được ban hành, chính sách thuế, ngân sách. Theo chiều sâu, kế hoạch đào tạo cần phải phân cấp rõ ràng hơn, đáp ứng yêu cầu của từng chuyên ngành, khu vực, đặc biệt là những lĩnh vực khó, chuyên sâu, như: Môi trường, năng lượng… “Đào tạo chuyên sâu cần gắn liền với hoạt động của từng KTNN chuyên ngành, khu vực, phân cấp rõ ràng, bám sát nhu cầu của KTV và chuyên đề kiểm toán. Các giảng viên tham gia giảng dạy phải phù hợp với từng nhóm kiến thức” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh.
Thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, KTV cần được cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, kinh tế vĩ mô và các kiến thức xã hội, quản lý kinh tế, tài chính nhà nước. Ngoài ra, trong dài hạn, các KTNN chuyên ngành, khu vực cần có kế hoạch cụ thể về công tác tự đào tạo để xác định đúng nhu cầu của KTV và từng đơn vị. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo, cập nhật dữ liệu để hình thành hệ thống đánh giá, kiểm tra, ghi nhận kết quả học tập, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo đáp ứng yêu cầu.
Bám sát các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch kiểm toán hằng năm, thời gian tới, KTNN sẽ tập trung tổ chức các tọa đàm trao đổi kinh nghiệm kiểm toán, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quy trình và chuẩn mực KTNN, kỹ năng mềm cho đội ngũ công chức, viên chức KTNN. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng xây dựng “Hệ thống Quản lý đào tạo 4.0” để triển khai linh hoạt, đa dạng các hình thức đào tạo nhằm phát huy tối đa công nghệ, xu hướng học tập trực tuyến.
Bên cạnh đó, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với các đơn vị tham mưu, chuyên ngành, khu vực chuẩn hóa tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; biên soạn tài liệu đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ cho KTV, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tăng cường bồi dưỡng lĩnh vực kiểm toán mới, như: Kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử; phổ biến kiến thức pháp luật nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán để ứng dụng vào hoạt động chuyên môn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của KTNN. Các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, khu vực tăng cường công tác tự đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị gắn với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm các KTV có đủ năng lực trước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán./.