Hoàn thiện pháp luật về kiểm toán môi trường để nâng cao hiệu quả kiểm toán

(BKTO) - Thời gian qua, khung khổ pháp lý về Kiểm toán nhà nước (KTNN), trong đó có kiểm toán môi trường (KTMT) tiếp tục được KTNN nghiên cứu hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn mới. Đây là một trong những điều kiện để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán, cũng như góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của lĩnh vực kiểm toán được đánh giá là mới và khó này.

sua_4-thay.jpg
Hoàn thiện pháp luật về kiểm toán môi trường. Ảnh tư liệu

Rào cản pháp luật làm hạn chế hoạt động kiểm toán

Xác định công tác KTMT đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, thời gian qua, KTNN đã tăng cường các cuộc kiểm toán đối với lĩnh vực này. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2018-2023, KTNN Việt Nam đã thực hiện hơn 40 cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến môi trường. Trong kế hoạch kiểm toán năm 2024, KTNN sẽ tiếp tục tập trung kiểm toán nội dung chuyên sâu về môi trường, như: Công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) nước phục vụ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt giai đoạn 2021-2023 tại các tỉnh, thành phố; quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp; việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều Bộ, địa phương…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức kiểm toán lĩnh vực môi trường vẫn còn những bất cập. Nguyên nhân là do những rào cản trong quy định pháp luật về KTMT. Trong đó, Luật KTNN hiện chưa quy định rõ về KTMT, chưa đồng bộ với Luật BVMT (do Luật KTNN ban hành trước Luật BVMT) và chủ yếu tiếp cận kiểm toán lĩnh vực môi trường như với kiểm toán tài sản công, chưa coi đây là một lĩnh vực kiểm toán đặc thù, dẫn đến khó khăn trong xác định tiêu chí kiểm toán, nắm bắt bằng chứng kiểm toán. Bởi theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Lại Xuân Nghị, do đặc thù lĩnh vực môi trường, việc “xác định bằng chứng kiểm toán trong KTMT vẫn là thách thức chung với các cơ quan kiểm toán tối cao hiện nay”.

Theo KTNN chuyên ngành III, thông qua KTMT, KTNN đã phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về BVMT tại các cơ sở sản suất, kinh doanh, dịch vụ, nhưng do không có chức năng giám định mẫu vật để xác định tính chất nguy hại của nguồn thải dẫn đến khó đánh giá được mức độ tác động của đối tượng đến môi trường. Mặt khác, tại Điều 7 của Luật KTNN, Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán “về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Việc quy định này dẫn đến tình trạng đơn vị được kiểm toán không thực hiện theo kiến nghị kiểm toán, và viện dẫn lí do họ chưa đến mức sai phạm. Đặc biệt là khi KTNN đang tập trung đẩy mạnh kiểm toán hoạt động (chú trọng đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả) để đánh giá kịp thời hơn các vấn đề về môi trường, khía cạnh tài chính sẽ không được chú trọng. Do đó, với quy định hiện hành sẽ gây khó khăn trong tổ chức thi hành các kiến nghị, kết luận kiểm toán.

Cho rằng công tác BVMT thời gian qua đã có chuyển biến nhưng chưa đủ mạnh, theo TS. Đặng Thị Hòa (Trường Đại học Thương mại), nguyên nhân là do Việt Nam còn thiếu công cụ giám sát hữu hiệu, có chuyên môn sâu, toàn diện đối với các đơn vị, trong đó có đánh giá tác động của hoạt động sản xuất, kinh doanh đến môi trường, nhất là với đơn vị tư nhân. Bởi theo quy định của Luật KTNN, đối tượng kiểm toán hiện nay là các đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân không thuộc đối tượng kiểm toán. Quy định này dẫn đến tình trạng tại thời điểm kiểm toán, kiểm toán viên phát hiện dấu hiệu doanh nghiệp gây ô nhiễm song phải chuyển cơ quan chức năng làm rõ theo quy trình. Đến thời điểm khác bị kiểm tra, doanh nghiệp, tổ chức sẽ lẩn tránh, che giấu hành vi gây ô nhiễm, từ đó làm giảm hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm.

Cần sớm hoàn thiện pháp luật kiểm toán môi trường

Trên cơ sở nhận diện những bất cập, hạn chế trong quy định về KTMT, các đơn vị kiểm toán và giới chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cho rằng, KTNN cần sớm nghiên cứu, sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm toán.

Trước hết, cần bổ sung nội dung cụ thể về KTMT trong Luật KTNN cho đồng bộ, tương thích với Luật BVMT năm 2020. Theo đó, Luật KTNN phải thể hiện rõ, đầy đủ các quy định làm cơ sở pháp lý cho hoạt động KTMT. Trên cơ sở các quy định của Luật, KTNN cần tiếp tục sửa đổi, ban hành hướng dẫn KTMT, quy định cụ thể nhằm xác định rõ đơn vị có liên quan để đưa vào kế hoạch kiểm toán/đối chiếu khi kiểm toán, nhất là với các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân gây ảnh hưởng đến môi trường. Dẫn thông lệ từ một số cơ quan kiểm toán tối cao, TS. Đặng Thị Hòa cho rằng, cần có quy định bắt buộc phải kiểm toán nhà nước với các chủ thể, đặc biệt là doanh nghiệp, tổ chức. Khi đó, KTNN có thể xem xét lại các báo cáo KTMT do kiểm toán viên nội bộ tiến hành hoặc thực hiện một cuộc kiểm toán mới khi thấy cần thiết hoặc đối với các doanh nghiệp không có kiểm toán nội bộ.

Mặt khác, hiện nay, do KTNN không có chức năng giám định mẫu vật định giá các chủ thể liên quan gây ra cho môi trường, vì vậy, để xác thực, đoàn kiểm toán của KTNN chỉ có thể thuê các đơn vị tư vấn độc lập đánh giá. Để khắc phục tình trạng này, KTNN cần xem xét điều chỉnh Luật KTNN và quy định pháp luật có liên quan, trong đó bổ sung chức năng KTNN có thể giám định, định giá thiệt hại gây ra cho môi trường. Đồng thời, KTNN cần xem xét sửa đổi Điều 7 Luật KTNN theo hướng: Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện sau khi phát hành, công khai, thay vì chỉ quy định đối tượng thực hiện là đơn vị được kiểm toán “sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.

Trong khi các quy định về KTMT chưa được sửa đổi, bổ sung trong Luật KTNN, để đáp ứng yêu cầu kiểm toán hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên cần bám sát Hướng dẫn KTMT hiện hành, cũng như các quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán, đồng thời vận dụng phù hợp pháp luật về môi trường vào thực tiễn kiểm toán để đưa ra những đánh giá xác đáng. Bên cạnh đó, trước khi tiến hành kiểm toán, đơn vị kiểm toán cần tăng cường tập huấn, trao đổi về đề cương kiểm toán, từ đó xác định các nội dung kiểm toán trọng tâm, thống nhất khi đưa ra đánh giá, kết luận kiểm toán trong toàn đoàn. Bởi theo đại diện Phòng KTMT (KTNN chuyên ngành III), việc tuân thủ quy định về hoạt động kiểm toán không chỉ giúp đoàn kiểm toán đưa ra các đánh giá thống nhất, đạt hiệu quả cao, mà còn giúp giảm thiểu các rủi ro cho hoạt động kiểm toán và kiểm toán viên./.

Cùng chuyên mục
  • Phát triển đội ngũ kiểm toán viên nhà nước vừa “hồng” vừa “chuyên”
    5 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn xác định đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững, vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài luôn được chú trọng.
  • Ngăn chặn lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công
    5 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Không công khai tài sản theo quy định; thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê đất không đúng quy định; hiệu quả sử dụng tài sản nhà, đất chưa cao, chậm được sắp xếp; nhiều trường hợp chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định… là những bất cập, tồn tại đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua công tác kiểm toán. Với “muôn hình vạn trạng” những sai sót được chỉ ra cho thấy, công tác quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn nhiều kẽ hở, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí.
  • Kiểm toán nhà nước khu vực IX: Những dấu ấn đổi mới
    5 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Qua hơn 17 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực IX ngày càng khẳng định sự chuyên nghiệp, trưởng thành với những dấu ấn đổi mới. Đây là động lực để đơn vị tiếp tục phấn đấu, góp phần vào thành tích chung của Ngành, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán: Cùng toàn Ngành nâng cao chất lượng kiểm toán
    5 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Việc xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nhà nước cũng như việc xây dựng các văn bản, chính sách kiểm soát chất lượng kiểm toán và tổ chức công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán là những nhiệm vụ trọng tâm của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, cùng toàn Ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao.
  • Cần đánh giá lợi ích và thách thức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kiểm toán
    5 tháng trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Cơ quan Sáng kiến phát triển của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (IDI-INTOSAI) vừa qua có bài viết đánh giá về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động kiểm toán.
Hoàn thiện pháp luật về kiểm toán môi trường để nâng cao hiệu quả kiểm toán