Phát triển khoa học và công nghệ: Thiết kế chính sách để doanh nghiệp, xã hội cùng vào cuộc

(BKTO) - Giai đoạn vừa qua, nhiều chỉ số về khoa học và công nghệ (KH&CN) có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để thúc đẩy KH&CN tiếp tục phát triển, điều quan trọng là cần thiết kế cơ chế, chính sách để hàng trăm DN, cả xã hội cùng vào cuộc.



                
   

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP

   

Nhiều chỉ số về khoa học và công nghệ cải thiện đáng kể

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Bộ KH&CN mới đây, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%, riêng năm 2020 tăng 45% so với năm 2019. Một số lĩnh vực như toán học, vật lý, hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Khoa học công nghệ ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%).

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Nguồn lực tài chính từ xã hội cho KH&CN tăng mạnh, nếu 10 năm trước chủ yếu dựa vào ngân sách (chiếm 70 đến 80%) thì nay đầu tư từ NSNN và DN đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng 52% và 48%.

Giai đoạn tới, để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt kiến nghị đổi mới cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Xây dựng cơ chế Bộ KH&CN chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu để tháo gỡ vướng mắc quy trình, thủ tục liên quan đến các đề tài, nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN theo hướng chấp nhận nguyên tắc rủi ro trong khoa học, tin các nhà khoa học thay vì quản lý theo hướng chống thất thoát. Công khai, minh bạch tất cả các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu để chính các nhà khoa học và cộng đồng giám sát.

Về một số đề xuất cụ thể, Bộ trưởng kiến nghị quan tâm xem xét, phân bổ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN, vốn đầu tư phát triển KH&CN trong năm 2020 và các năm tiếp theo; bổ sung cấp vốn điều lệ (2.000 tỷ đồng) cho Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Để tháo gỡ vướng mắc cho DN trong việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho đổi mới công nghệ, Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKH&CNBTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ…

"Đừng thiết kế một quy trình mà chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu"

Đồng ý với những kiến nghị của Bộ KH&CN, Thủ tướng lưu ý, muốn KH&CN phát triển, là động lực thực sự của sự phát triển, lãnh đạo các cấp phải quan tâm, đề ra mục tiêu, xây dựng cơ chế, phương hướng để tổ chức thực hiện. Điều đáng làm hơn là thiết kế thể chế, cơ chế, chính sách để hàng trăm DN, cả xã hội cùng vào cuộc để thúc đẩy KH&CN tiếp tục phát triển.

Về phương hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Tập trung hơn nữa cho công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực…

Phát triển thị trường KH&CN đúng nghĩa để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Xây dựng cơ chế, tạo động lực phát triển KH&CN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu. Đầu tư KH&CN phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược và phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng vùng miền.

Hoàn thiện cơ chế, tổ chức bộ máy để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển KH&CN tại các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng để phục vụ 3 khâu đột phá chiến lược, trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh COVID-19. Góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh theo hướng ứng dụng.

Thủ tướng giao Bộ KH&CN, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu KH&CN phục vụ phòng chống dịch và sản xuất vaccine ngừa COVID-19, trong đó có quy định về đầu tư rủi ro. Đồng thời, sửa đổi các quy định về tài chính cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, “đừng thiết kế một quy trình mà chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu”./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Phát triển khoa học và công nghệ: Thiết kế chính sách để doanh nghiệp, xã hội cùng vào cuộc