Phát triển nhanh, bền vững là mục tiêu hàng đầu
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt. Nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp, khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA với Liên minh châu Âu (EU) là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kiên định với ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự nỗ lực từ một phía Chính phủ là chưa đủ mà cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng DN. Trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP năm 2019, Chính phủ đã nhấn mạnh phương châm coi DN là trung tâm của kiến tạo chính sách, khích lệ DN vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ và tham gia, trở thành bộ phận không thể thiếu của phát triển đất nước, đồng hành cùng Chính phủ trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, nâng cao trách nhiệm xã hội của các DN nhằm góp phần hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích DN, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho cả đất nước và DN.
Với chủ đề mà VBF lựa chọn là làm sao để kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là vấn đề rất thiết thực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp nhất 10 năm qua, nhiều nền kinh tế trên thế giới gặp khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng tăng trưởng của khu vực và thế giới. Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng khẳng định, cộng đồng DN chính là động lực cho tăng trưởng, là chủ thể và lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ.
Tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo nhận định của ông Kyle F.Kelhofer - Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính quốc tế, các vấn đề môi trường, xã hội vẫn là những thách thức của Việt Nam hiện nay. Tuy đã ban hành nhiều văn bản chính sách liên quan đến phát triển nhanh và bền vững nhưng Việt Nam vẫn chưa có tiến bộ đáng kể trong việc triển khai thực hiện các chính sách này. Việc hợp tác giữa Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và DN sẽ mang lại lợi ích cạnh tranh cho Việt Nam. Muốn đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam phải đảm bảo được năng lực cạnh tranh thương mại trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn; đảm bảo an toàn về tài chính trong bối cảnh lượng tiết kiệm toàn cầu vượt quá cơ hội đầu tư…
Dẫn chứng rằng Việt Nam vẫn đang tập trung vào khâu giữa của chuỗi giá trị toàn cầu là lắp ráp và gia công, ông Kyle khuyến nghị: Việt Nam cần phải mở rộng việc tham gia vào chuỗi giá trị để mang lại hiệu quả cao hơn. Muốn vậy, Việt Nam phải tiếp cận được các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với chi phí tối thiểu.
Còn theo bà Virginia B.Foote - Đồng Chủ tịch VBF, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều cần có một môi trường đầu tư bình đẳng. Hội nhập kinh tế thế giới thông qua các FTA mà Việt Nam tham gia đảm bảo cho Việt Nam phát triển lâu dài và tăng trưởng tốt, nhưng Việt Nam cũng cần vượt qua các thách thức trong tái cơ cấu, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu hội nhập; tham gia vào mạng lưới toàn cầu, phát huy năng lực con người.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp - cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN, cần phải có sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết thật nhanh thủ tục hậu đăng ký kinh doanh cho DN. Chính phủ và các Bộ, ngành cần giải quyết, đẩy nhanh việc sửa đổi các điểm nghẽn trong hệ thống pháp luật để đảm bảo sự đồng bộ; cần có hướng dẫn chung cho các địa phương để họ hiểu đúng, áp dụng đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia vào các dự án lớn của quốc gia; tăng cường công tác thông tin cho DN…
Trải qua từng nấc thang phát triển, VBF đã đi lên từ bước khởi đầu là nêu những phản ánh, vướng mắc trong quá trình hoạt động của cộng đồng DN để Chính phủ nắm bắt, điều chỉnh chính sách. Sau đó, Diễn đàn tiếp tục nâng tầm hoạt động thông qua việc tham gia vào việc đóng góp, tham vấn, xây dựng chính sách của Chính phủ. Thời điểm này, VFB tiếp tục chuyển sang một nấc thang cao hơn, đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của DN trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. |
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019