Phát triển nông nghiệp theo chuỗi kết hợp với áp dụng khoa học công nghệ

(BKTO) - 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nông sản của Hà Nội đạt 1.345 triệu USD, trong đó, hàng nông sản đạt 777 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ.

2.jpg
Hà Nội chú trọng sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, hình thành những vùng sản xuất rau an toàn quy mô từ 20-25ha trở lên. Ảnh: nongnghiephuucovn

Đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, hằng năm cung ứng cho thị trường hơn 700.000 tấn rau, củ; hơn 1 triệu tấn lương thực; 1,4 triệu con lợn hơi xuất chuồng và 40 triệu con gia cầm.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu lớn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn thành phố đã hình thành 35 vùng trồng lúa, 104 vùng trồng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung…

Hiện nay, Thành phố có 13.474 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản, 1.421 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương. Để kiểm soát chất lượng nông sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tăng cường hoạt động giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong 11 tháng năm 2023 đã lấy 1.984 mẫu các sản phẩm, trong đó có 306 mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố, kết quả 94% mẫu đạt tiêu chuẩn.

Tại Hội nghị kết nối thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản năm 2023, các chuyên gia cho rằng, cùng với các cơ chế, chính sách, Hà Nội cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để bảo đảm được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.

Đồng thời, cần thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế...

Hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

Năm 2023, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 2,64%. Để bảo đảm tăng trưởng đạt mục tiêu, phát triển bền vững, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp Hà Nội tập trung sản xuất vụ Đông, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo đảm cung ứng cho thị trường cuối năm.

Theo đó, các địa phương cần rà soát toàn bộ diện tích, sản xuất vụ Đông theo kế hoạch đề ra, không để ruộng, đất hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất. Ngành nông nghiệp cùng các địa phương có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Đối với chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh công tác tái đàn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2023 và chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, từng bước triển khai thí điểm xây dựng một số xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Còn trong lĩnh vực thủy sản, Thành phố mở rộng diện tích thâm canh, phát triển nuôi trồng thủy sản tại các vùng đủ điều kiện; tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực. Đặc biệt, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh liên kết, kết nối thị trường các tỉnh, thành lân cận./.

Cùng chuyên mục
Phát triển nông nghiệp theo chuỗi kết hợp với áp dụng khoa học công nghệ