Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững

(BKTO) - Thành phố Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65-75%. Đến năm 2025, hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng…

vna_potal_ty_le_do_thi_hoa_cua_ha_noi_se_dat_tren_70_stand.jpg
Một khu đô thị mới phía Tây Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Nhiều tiêu chí quan trọng đạt kết quả tích cực

Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thực hiện Chương trình "Chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025", 9 tháng năm 2023, nhiều tiêu chí quan trọng liên quan đến quy hoạch, xây dựng và nhà ở trên địa bàn Thành phố tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đối với chỉ tiêu “Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 tại 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng”, BCĐ Chương trình tiếp tục phối hợp với BCĐ xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của Thành phố để chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án. Thực hiện các tiêu chí lên quận theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, 5 huyện đã tích cực thực hiện biện pháp để hoàn thành các chỉ tiêu huyện lên quận.

HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết thành lập quận Đông Anh tại kỳ họp lần thứ 12 (tháng 7/2023), Nghị quyết thành lập quận Gia Lâm tại kỳ họp lần thứ 13 (tháng 9/2023). Tuy nhiên, 3 huyện còn lại hiện nay còn một số chỉ tiêu gặp khó khăn, vướng mắc (huyện Hoài Đức đạt 27/31 tiêu chí; huyện Thanh Trì đạt 25/31 tiêu chí; huyện Đan Phượng đạt 21/31 tiêu chí).

Chỉ tiêu “Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2 - 3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại.

Đã chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án và 6 Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức rà soát, đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư của 11 dự án đang triển khai (10 chung cư đã lựa chọn được chủ đầu tư và 1 chung cư UBND Thành phố đang xem xét chấp thuận chủ đầu tư) thuộc danh mục các dự án cần rà soát tại Kế hoạch số 335/KH-UBND. Đến nay, 3 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác; Tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện 8 dự án.

Chỉ tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954”. Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 2021-2023) gồm 12 biệt thự và 7 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954. Các đơn vị đã cải tạo, chỉnh trang xong 9/12 biệt thự, hiện đang chỉnh trang 3/12 biệt thự (dự kiến hoàn thành năm 2024), đã cải tạo xong 5/7 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954, hiện đang chỉnh trang 2/7 công trình (dự kiến hoàn thành năm 2024).

Giai đoạn 2, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 04/4/2023 về tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, chỉnh trang (gồm 24 biệt thự cũ, 8 công trình kiến trúc khác). Dự kiến đến cuối năm 2025, sẽ bảo tồn, chỉnh trang xong 36 biệt thự, 15 công trình kiến trúc khác (vượt chỉ tiêu kế hoạch 20 công trình được giao theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy). Trong 9 tháng đầu năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành 3 kế hoạch; Sở Xây dựng có 3 văn bản triển khai giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan.

Chỉ tiêu “Tỷ lệ đô thị hóa 60 - 62%”, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết thành lập quận Đông Anh (dân số khoảng 392.360 người) và quận Gia Lâm (dân số khoảng 286.102 người) thì tỷ lệ đô thị hóa toàn Thành phố đạt khoảng 57,6%. Trong thời gian tới, tiếp tục đôn đốc 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì sớm hoàn thành các tiêu chí lên quận để đạt chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa 60 - 62%.

Đối với chỉ tiêu “Diện tích nhà ở bình quân/người toàn Thành phố đạt từ 27,6 - 29,5 m2/người; tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới theo dự án khoảng 20,44 triệu m2; tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng 25.000 căn hộ, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, diện tích nhà ở bình quân người toàn Thành phố đạt 28,6 m2/người; Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển theo dự án mới đạt khoảng 1.931.014 m2 sàn nhà ở.

Trong 9 tháng năm 2023, Thành phố đã hoàn thành 152.250m2 sàn nhà ở, 812 căn hộ, trong đó: Nhà ở thương mại 127.290m2 sàn, 500 căn hộ; Nhà ở tái định cư 24.960m2 sàn, 312 căn hộ (chưa có dự án nhà ở xã hội hoàn thành).

Chỉ tiêu “Triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh”. Các đơn vị chuyên môn tiếp tục đôn đốc tiến độ 3 dự án: Đã cơ bản hoàn thành Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm); Đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết và đang điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Thành phố thông minh và dự kiến khởi công vào quý IV/2023; Đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án Khu đô thị Đông Anh.

Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa

Kế hoạch 216/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 16/3/2023 của Thành ủy Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Theo đó, Thành phố phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65-75%. Đến năm 2025, hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố; hệ thống các quy định, quy chế liên quan đến quản lý quy hoạch, kiến trúc; hoàn thành điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo điều kiện phát triển các huyện thành quận.

Cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện, trong đó, ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ Thủ đô, hoàn thành chỉ tiêu 30 - 35 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025. Phấn đấu tăng tổng số giường bệnh của các cơ sở y tế (tại trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện đa khoa các cấp) đến năm 2025 dự kiến đạt 21.880 giường bệnh, đến năm 2030 khoảng 24.380 giường bệnh.

Phấn đấu tỷ lệ số giường bệnh của cơ sở y tế cấp đô thị trên 1.000 dân đến năm 2025 là 2,8, đến năm 2030 là 3,2 và tối thiểu 15 bác sĩ/10.000 dân; đồng thời gắn với việc phát triển nguồn nhân lực đảm bảo việc vận hành khi hoàn thành đầu tư;

Tăng số lượng trường trung học công lập và công lập tự chủ đến năm 2025 khoảng 135 - 140 trường, đến năm 2030 khoảng 150 trường; tăng số lượng trường tư thục đến năm 2025 khoảng 112 - 116 trường, đến năm 2030 khoảng 125 - 130 trường; Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh. Số lượng đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030 là 3-5 đô thị.

Tiếp đó, đến năm 2050, hoàn thành đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; hệ thống đô thị - nông thôn được liên kết theo mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh và đảm bảo bền vững; hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thành phố phấn đấu hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh quản lý và phát triển đô thị bền vững, phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biển đổi khí hậu; Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị; Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị./.

Cùng chuyên mục
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững