Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng

(BKTO) - Ngày 6/4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủtịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã tiếnhành khai mạc phiên họp thứ 37. Dự kiến, phiên họp sẽ diễn ra đến hết ngày10/4.




Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc phiên họp thứ 37.Ảnh: TTXVN
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, thời gian làm việc của phiên họp ngắn nhưng khối lượng công việc rất lớn. Trọng tâm của phiên họp lần này vẫn là việc thẩm tra, cho ý kiến vào các dự án luật quan trọng dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Theo đó, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật An toàn thông tin; Luật Phí, lệ phí; Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tập trung cho ý kiến về Dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án: Luật NSNN (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân...

Chiều ngày 8/4, cho ý kiến về Dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu dự án Luật NSNN (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật như: Vấn đề thưởng vượt thu NSNN; bội chi NSNN; dự phòng ngân sách; ứng trước dự toán; về ngân sách chi cho quốc phòng an ninh…

Liên quan đến vấn đề phân cấp quản lý NSNN giữa Trung ương và địa phương, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình tiếp thu. Theo đó, để phân định rõ nhiệm vụ chi quốc gia theo tinh thần Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và minh bạch trong công tác hoàn thuế, đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật quy định: Ngân sách Trung ương bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngoại giao, vốn đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội có tính liên vùng, khu vực và chi hoàn thuế. Ngân sách địa phương vẫn có khoản chi an ninh, quốc phòng, đối ngoại phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế trên cơ sở phân cấp cho địa phương theo quy định của pháp luật.

Về phân cấp nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, về cơ bản cần thực hiện theo pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Riêng chi nghiên cứu khoa học cho các cấp chính quyền địa phương, cơ quan thẩm tra đề nghị giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho cấp tỉnh, còn các cấp huyện, xã chỉ thực hiện nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề phân cấp quản lý NSNN, thêm một lần nữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị việc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN phải bám sát quy định về nhiệm vụ của chính quyền địa phương quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

ĐÌNH NGỌC
Cùng chuyên mục
Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng