Không quy định về thời gian sinh sống thường xuyên
Trình bày Báo cáo tóm tắt việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, căn cứ vào ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 51, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng: Bỏ quy định về điều kiện thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục 6 tháng trở lên; không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; giữ nguyên quy định về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri tại nơi cư trú như hiện hành và không bổ sung quy định về việc chia nhỏ số hộ thuộc thôn, tổ dân phố thành các cụm dân cư để tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo |
Về vấn đề tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật lưu ý, theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật Bầu cử thì hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước do người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì. Đối với khối các cơ quan Quốc hội, do đặc thù chỉ có một cơ quan giúp việc chung là Văn phòng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội đều sinh hoạt Công đoàn cùng với công chức thuộc Văn phòng Quốc hội tại các Công đoàn bộ phận thuộc Ban chấp hành Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội. Do đó, nếu tổ chức lấy ý kiến cử tri theo từng cơ quan của Quốc hội thì sẽ không có Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan tương ứng để phối hợp theo đúng quy định của Luật Bầu cử. Bên cạnh đó, Luật Bầu cử cũng quy định đây là “hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước”, do đó cần xác định rõ “cơ quan” trong trường hợp này là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hay chỉ là bộ phận thường trực của Hội đồng, Ủy ban.
Đối chiếu với quy định của Luật Bầu cử, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, nếu chỉ lấy ý kiến cử tri của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban và thậm chí là các công chức thuộc đơn vị trực tiếp giúp việc thì cũng chưa phải là “cơ quan” theo đúng nghĩa. Hơn nữa, với cách thức tổ chức hội nghị cử tri theo từng cơ quan thì sẽ có sự chênh lệch đáng kể số lượng cử tri tham dự hội nghị, đặc biệt là giữa các hội nghị lấy ý kiến đối với người ứng cử đang công tác tại Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội và các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đang công tác tại Văn phòng Quốc hội.
“Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức một hội nghị chung tại Văn phòng Quốc hội để lấy ý kiến về tất cả những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội về cơ bản không có vướng mắc gì lớn. Việc tổ chức chung một hội nghị như vậy có ưu điểm là khâu tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi hơn cho cả cơ quan chủ trì và người ứng cử mà vẫn bảo đảm trình tự, thủ tục và yêu cầu về việc triệu tập và chủ trì hội nghị cử tri theo đúng quy định của Luật Bầu cử, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội”. Từ thực tiễn nêu trên, đồng thời để bảo đảm tính ổn định, phát huy các ưu điểm, khắc phục được một số vướng mắc trong kỳ bầu cử trước, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng: Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội (bao gồm cả cử tri công tác tại Viện Nghiên cứu lập pháp).
Quốc hội sẽ quyết định số đại biểu HĐND chuyên trách tại Hà Nội
Toàn cảnh phiên họp |
Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác; nếu không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, căn cứ vào ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định về việc xác định quy mô dân số của các đơn vị hành chính theo số liệu do cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố và việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo làm cơ sở để xác định số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân được bầu; về số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách; về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và thể hiện vào trong dự thảo Nghị quyết.
Riêng về số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định về chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Nghị quyết số 97của Quốc hội cũng không quy định về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và Hội đồng Nhân dân quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, trong Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định đặc thù về số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội mà báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này tại Kỳ họp thứ Mười một.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo về quy định với việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với việc không quy định về số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội tại dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua các Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung; Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc ban hành Nghị quyết dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XV.
Theo daibieunhandan.vn