Phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ phụ nữ vượt qua khó khăn

(BKTO) - Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chỉ đạo các chi nhánh NHCSXH các tỉnh/thành phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) cùng cấp xây dựng các đề án tham mưu cho HĐND, UBND các tỉnh/thành trong việc bố trí nguồn vốn với đối tượng thụ hưởng thuộc 2 đề án Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam là cơ quan chủ quản.

hoi-nghi-giao-ban.jpg
Hội nghị giao ban ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội năm 2023. Ảnh sưu tầm

Đây là đề xuất của bà Trần Lan Phương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại Hội nghị giao ban ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội năm 2023.

Thông tin Hội nghị cho biết, trong bối cảnh tình hình tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng cực kỳ khó khăn nhưng NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách; tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023.

Theo đó, NHCSXH đã chủ động huy động nguồn vốn ngay từ đầu năm, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trả nợ các khoản vay đến hạn, đảm bảo khả năng thanh toán cho hoạt động của toàn hệ thống.

Theo NHCSXH, với thực hiện hoạt động ủy thác vay vốn, tính đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 330.129 tỷ đồng, chiếm 99,46% tổng dư nợ, tăng 48.505 tỷ đồng so với năm 2022; nợ quá hạn 499 tỷ đồng, chiếm 0,15% tổng dư nợ ủy thác, tăng 29 tỷ đồng so với năm 2022; nợ khoanh 1.322 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ, giảm 28 tỷ đồng so với năm 2022; với 168.385 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.

Dư nợ ủy thác qua Hội LHPN Việt Nam đạt 125.814 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng dư nợ ủy thác, tăng 17.822 tỷ đồng so với cuối năm 2022; nợ quá hạn chiếm 0,12%, nợ khoanh chiếm 0,29% tổng dư nợ nhận ủy thác của Hội; quản lý 61.944 Tổ TK&VV với gần 2,6 triệu khách hàng; 99,97% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 6.663 tỷ đồng.

Toàn quốc có 168.385 Tổ TK&VV, giảm 191 Tổ so với năm 2022. Trong đó, riêng Hội LHPN Việt Nam có 58.337 Tổ đạt loại tốt (đạt 94,18%).

Để đạt được kết quả này, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp: cho vay mới và cho vay bổ sung để giúp người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, ổn định sản xuất và cuộc sống; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV tại cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn và tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn vay nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn, xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Hội LHPN Việt Nam trong năm 2023 tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo việc triển khai thực hiện hoạt động ủy thác được hiệu quả, thiết thực. Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ chị em phụ nữ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đảm bảo giúp chị em sử dụng vốn hiệu quả.

Hội LHPN các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi, các quy định của NHCSXH. Trong năm, các cấp Hội đã tổ chức gần 20.000 cuộc tuyên truyền với gần 2 triệu lượt người dự; 12.000 tin, bài về hoạt động ủy thác với NHCSXH, các gương điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm truyền thông của Hội, trong đó, cấp Trung ương đã có trên 300 tin, bài.

100% Hội LHPN các cấp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát đúng theo quy định. Trong đó: Cấp Trung ương Hội kiểm tra hoạt động ủy thác tại 16 tỉnh, 20 huyện, thị xã; 20 phường, xã; 24 tổ TK&VV và 93 khách hàng vay vốn; cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện kiểm tra tại 705 đơn vị cấp huyện, 10.412 xã, 71.876 lượt tổ và trên 2,3 triệu thành viên.

Đặc biệt, những năm qua, kinh tế rất khó khăn, đời sống của chị em phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều chị em ở các khu công nghiệp bị mất việc làm...

Để giúp cho chị em phụ nữ từng bước vượt qua khó khăn, đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Lan Phương đề xuất các chi nhánh NHCSXH phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội LHPN các tỉnh/thành, huyện tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền; tăng cường hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho các hội viên của các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có hội viên phụ nữ.

Đồng thời đề nghị NHCSXH có chỉ đạo các chi nhánh NHCSXH các tỉnh/thành phối hợp với Hội LHPN cùng cấp xây dựng các đề án tham mưu cho HĐND, UBND các tỉnh/thành trong việc bố trí nguồn vốn với đối tượng thụ hưởng thuộc 2 đề án Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam là cơ quan chủ quản./.

Cùng chuyên mục
Phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ phụ nữ vượt qua khó khăn