Phở Nam Định, phở Hà Nội và mì Quảng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(BKTO) - Cùng với mì Quảng, phở Nam Định, phở Hà Nội là ba món ăn nổi tiếng của Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

a.jpg
Phở Nam Định, phở Hà Nội được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh minh họa

Theo đó, "Phở Nam Định" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Việc "Phở Nam Định" trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tín hiệu mừng, từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Phở Nam Định"; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa ẩm thực "Phở Nam Định"; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của đất và người Nam Định.

Trong khi đó, "phở Hà Nội" món ăn đặc trưng là phở nước, ăn cùng bò và gà. Kỹ thuật nấu, không gian thưởng thức và văn hóa thường thức đã tạo được dấu ấn riêng cho phở Hà Nội.

Phần lớn những hàng phở nổi tiếng ở Hà Nội đều có bí truyền khi pha chế, chỉ có vợ chồng người chủ biết; người khác không thể biết liều lượng và một vài loại gia vị đặc biệt khi cho vào nồi nước dùng. Công thức chỉ được truyền nghề cho những người trong gia đình hoặc dòng họ qua hình thức cầm tay chỉ việc.

Như vậy, tới thời điểm hiện tại, về ẩm thực, nước ta có tổng cộng các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm phở Nam Định, phở Hà Nội, mì Quảng, nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Đối với di sản "mì Quảng", hiện được UBND tỉnh Quảng Nam chú trọng bảo tồn. Người dân làm nghề có thu nhập ổn định, nguy cơ mai một không cao. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều lò tráng mì bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến nhanh chóng và thuận lợi hơn nhiều nên các lò tráng mỳ truyền thống có nguy cơ bị thu hẹp. Lớp trẻ đang ít tham gia làm nghề vì theo đuổi những công việc nhẹ nhàng, có thu nhập cao hơn.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Cùng chuyên mục
Phở Nam Định, phở Hà Nội và mì Quảng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia