Tăng thuế - Biện pháp hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá

(BKTO) - Giá và thuế là các biện pháp cần thiết để giảm lượng tiêu thụ thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Đây là những ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 13/8, tại Hà Nội.

Mỗi năm, Việt Nam có hàng chục nghìn ca tử vong vì thuốc lá

z5726423202502_d775a23561d0ec4e3ea4c1b269844850.jpg
Bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông - phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: KHÁNH LINH

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản cả nam và nữ. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Hàng năm có 49.000 tỷ đồng cho tiêu dùng mua thuốc lá. Đây là chi phí lớn gây thiệt hại cho sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà trong hiện tại cũng như tương lai mà hoàn toàn chúng ta có thể phòng tránh được.

Bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông

z5726432172177_b3815b58c5c8631b5f369e0b81c8cd88.jpg
TS.Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - nhấn mạnh thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Ảnh: KHÁNH LINH.

Cũng theo TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, thuốc lá gây nên hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có tới hàng chục nghìn ca tử vong do thuốc lá và những ca tử vong này đều có thể phòng ngừa được.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê gần đây, bà Angela Pratt cho biết, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%. Cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Theo bà Angela Pratt, một trong những thách thức lớn nhất là giá thuốc lá ở Việt Nam. Thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều cần thay đổi.

Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vẫn còn thấp, sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

z5726439801756_0fd8c001532649f0442c77cecd296789.jpg
ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đưa ra thông tin về sự cần thiết tăng thuế thuốc lá ở nước ta. Ảnh: KHÁNH LINH.

Lợi ích "kép" từ việc tăng thuế thuốc lá

Đưa ra thông tin về sự cần thiết tăng thuế thuốc lá ở nước ta ThS,BS. Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam - cho biết: Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá khác và là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được WHO  và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các nước áp dụng.

Song Việt Nam lại thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. ThS, BS. Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng trong bối cảnh tỷ lệ hút thuốc giảm chậm, không đạt các mục tiêu quốc gia và cam kết quốc tế, đồng thời sản lượng và tiêu thụ thuốc lá gần đây có xu hướng tăng nhanh, Việt Nam cần cải cách thuế thuốc lá. Tăng thuế sẽ làm giảm hút thuốc lá và tăng thu ngân sách.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định giải pháp "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng".

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Nhị Thủy, việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để tác động đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá được đánh giá trên một số khía cạnh. Đầu tiên là tăng giá. Bằng cách tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, giá bán lẻ sẽ tăng lên, điều này có thể ngăn cản người tiêu dùng mua chúng.

Thứ hai là giá cao hơn có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ trong số những người hút thuốc hiện tại. Thứ ba là giá cao có thể đóng vai trò như một rào cản đối với thanh thiếu niên, những người thu nhập thấp bắt đầu hút thuốc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng giá rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên.

z5726448614269_60951317cbf8d41a6c096ef3d36935ae.jpg
ThS. Đào Thế Sơn - Chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: KHÁNH LINH.

ThS. Đào Thế Sơn - chuyên gia kinh tế - chỉ ra rằng, các chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ cho thấy tình hình kinh doanh thuốc lá vẫn tăng trưởng tốt trong 10 năm qua. Mặc dù chỉ số sản xuất/tiêu thụ có mức tăng chậm lại gần thời điểm các năm tăng thuế 2016, 2019 nhưng không đáng kể. Do vậy, ThS. Đào Thế Sơn cho rằng cần tăng thuế ở mức đủ lớn để làm chậm đà tăng trưởng về tiêu thụ thuốc lá.

Đánh giá cao vai trò của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối góp phần giảm tiêu thụ thuốc lá, ThS. Đào Thế Sơn kiến nghị Việt Nam nên áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2026 với thành phần thuế tuyệt đối bổ sung để chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp; bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ cao và có thay đổi định kỳ; sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại và tỷ lệ tất cả các loại thuế nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ. Bên cạnh đó, để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá, nên tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để chống sói mòn do lạm phát và tăng trưởng thu nhập.

screenshot-2024-08-13-121520.png
Kết quả nghiên cứu được WHO Việt Nam đưa ra tại hội thảo. Ảnh WHO.

Kết quả nghiên cứu được WHO Việt Nam đưa ra tại Hội thảo cũng cho thấy việc tăng thuế đối với thuốc lá có thể làm giảm số lượng người nghèo ở Việt Nam, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng hóa do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ; đồng thời có thêm nguồn thu thuế để đầu tư vào các chương trình xã hội và y tế cùng nhiều tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá./.

Cùng chuyên mục
Tăng thuế - Biện pháp hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá