Tiêm thí điểm vắc-xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ yên, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: TTXVN |
Đó là đề nghị của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về phòng, chống bệnh VDNC trên trâu bò, tổ chức ngày 27/5 tại Hà Nội.
Dịch đã xuất hiện tại 32 tỉnh, thành phố
Bộ NN&PTNT cho biết, bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào khoảng tháng 10/2020. Sau đó, dịch bệnh đã lây lan ra một số địa phương khác trong cả nước. Tính đến ngày 25/5, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.252 xã, thuộc 252 huyện của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 63.714 con gia súc mắc bệnh và 9.170 con gia súc chết và tiêu hủy.
Hiện nay, cả nước có 1.416 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 199 huyện của 27 tỉnh, thành phố với 48.449 con gia súc mắc bệnh và 7.025 con gia súc chết và tiêu hủy.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN& PTNT đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai phòng, chống dịch một cách đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã cho phép 2 DN nhập khẩu 3 loại vắc-xin sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập với hơn 4,12 triệu liều nhằm cấp bách phòng, chống dịch.
Theo đó, từ tháng 12/2020 đến nay, toàn quốc đã tiêm phòng được trên 2 triệu liều vắc-xin tại 33 tỉnh, thành phố và 28 cơ sở chăn nuôi lớn. Dự kiến trong thời gian tới, các DN tiếp tục nhập khẩu thêm hơn 3 triệu liều, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm phòng của các địa phương.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đây là dịch bệnh nguy hiểm đối với trâu bò (không lây sang người); nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới là rất cao nếu dịch không được khoanh vùng, khống chế.
Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng, chống bệnh đang gặp khó khăn như: Nhiều địa phương chưa thực hiện công bố dịch theo quy định; chưa kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan, kéo dài; chưa có kế hoạch, kịp thời bố trí kinh phí hoặc có bố trí nhưng không đủ và chưa bảo đảm nguồn lực để tổ chức tiêm vắc-xin phòng, chống dịch cho đàn gia súc ở các vùng có dịch, địa phương có nguy cơ cao.
Cùng với đó, chăn nuôi trâu, bò phần lớn còn nhỏ lẻ, thả rông; ý thức phòng, chống dịch bệnh của một số người chăn nuôi chưa cao, không chấp hành và không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan thú y...
Phấn đấu tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt tối thiểu 80%
Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng chính quyền các tỉnh, thành sử dụng nhiều biện pháp để phòng chống dịch, gồm: rà soát sớm, khoanh vùng ổ dịch; phun sát trùng; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ trâu, bò ở địa phương, đặc biệt là các tỉnh có chợ gần biên giới. Tuy nhiên, cách nhanh và hiệu quả nhất để đẩy lùi bệnh VDNC vẫn là tiêm vắc-xin.
Theo Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long, vắc-xin đáp ứng miễn dịch phòng bệnh có hiệu quả sau 21 ngày tiêm nên các địa phương phải tổ chức tiêm phòng sớm; không nên để có dịch mới tổ chức tiêm phòng. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng đồng loạt, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% số gia súc trong diện tiêm.
Ông Pawin Padungtod - Điều phối viên Kỹ thuật cao cấp của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, Việt Nam cần chú ý thêm về quy trình tiêm phòng. Trước khi vận chuyển gia súc hoặc nhập đàn gia súc mới, cần tiêm vắc-xin và phải đợi đủ 28 ngày.
Đặc biệt, muốn phòng bệnh VDNC hiệu quả, cần tiêm theo khu vực thay vì tiêm bao vây. "Toàn bộ gia súc, từ trưởng thành, đang mang thai và gia súc non đều nên tiêm. Nếu gia súc mẹ đã được tiêm vắc-xin, hoặc nhiễm bệnh tự nhiên, bê, nghé con nên được tiêm sớm khi 3 - 4 tháng tuổi. Tôi biết, điều này sẽ đội chi phí lên khá nhiều. Nhưng nó sẽ giúp ích trong việc phát hiện những ca bệnh đầu tiên, vốn rất khó xác định ở những khu vực chưa có dịch" - ông Pawin Padungtod chia sẻ.
Nhấn mạnh về vai trò của việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh VDNC, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, những địa phương thực hiện tốt công tác tiêm vắc-xin (tiêm đạt trên 80% tổng đàn gia súc) như: Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… đã ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Nhờ tiêm vắc-xin, số ổ dịch trên địa bàn giảm rõ rệt từ 30 đến 60% và không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh. Ngược lại, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc-xin chưa đạt ngưỡng này đã gặp hậu quả nặng nề.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, thời gian tới, các địa phương cần tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định; đặc biệt, bố trí kinh phí để mua vắc-xin để tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm.
Mặt khác, các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; đồng thời, hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường…
LÊ HÒA