Đây cũng là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp tại Hội thảo trực tuyến về “Thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 23/9.
Trẻ em tử vong do đuối nước vẫn ở mức cao, nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, thời gian qua, việc phòng, chống đuối nước cho trẻ tuy có nhiều cố gắng, nhưng còn nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.
Mặc dù hàng nghìn tỷ đồng đã được chi cho hoạt động phòng, chống đuối nước, với nhiều chương trình, dự án được thực hiện, song giai đoạn 2016-2020, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ tử vong liên quan đến đuối nước. Chỉ tính riêng từ 30/4 đến nay, cả nước xảy ra 54 vụ, với 89 trẻ tử vong. |
Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, tình trạng đuối nước ở trẻ em của Việt Nam vẫn đáng báo động. Theo ông Nam, trong điều kiện địa hình của nước ta có nhiều sông, ngòi thì nguy cơ đuối nước ở trẻ vẫn còn ở mức rất cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), cho biết, phần lớn các vụ đuối nước do các em rủ nhau đi bơi, đi tắm, đi chơi gần các khu nước và trượt chân... vào thời gian nghỉ học ở nhà và không có sự giám sát, quản lý của người lớn.
Cần tăng cường khả năng bơi và các kỹ năng ứng phó với đuối nước cho trẻ. Ảnh: N.LỘC |
Chỉ rõ thêm nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng: Nhận thức của một số gia đình, cộng đồng về nguy cơ đuối nước trẻ em còn hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất khó khăn, trong khi đó trẻ em ở các vùng này không những thiếu sự quản lý, trông coi giám sát của gia đình mà bản thân các em phải đi làm, đi học trong môi trường tiểm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước; số bể bơi trên toàn quốc chưa đáp ứng được yêu cầu về phổ cập bơi...
Cần giải pháp đột phá, hiệu quả
Trước tình trạng các báo cáo về giải pháp phòng, chống đuối nước thì nhiều, song tình trạng đuối nước ở trẻ vẫn phức tạp, không thuyên giảm qua các năm, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều giải pháp hiện nay vẫn còn chung chung, thậm chí là... trên giấy, kém hiệu quả. Do đó, các Bộ, ngành cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để giảm thiểu trông thấy tai nạn đuối nước ở trẻ.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu đưa giáo dục phòng, chống đuối nước trở thành học phần bắt buộc của môn Giáo dục Thể chất trong trường học ở các vùng, địa phương có chỉ số trẻ em bị tai nạn thương tích cao.
"Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiếp nhận, quản lý trẻ, để từ đó giảm thiểu tai nạn đuối nước" -Ông Nam đề nghị.
Còn theo ôngNguyễn Thanh Đề,để công tác phòng, chống đuối nước hiệu quả không chỉ dựa vào việc dạy cho học sinh biết bơi, mà phải chú trọng dạy cho các em nhận thức đúng về nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước; xây dựng kỹ năng cho trẻ để ứng phó với nguy cơ đuối nước. Đến ây là giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả phòng, chống đuối nước trong bối cảnh điều kiện dạy, học bơi trong các trường nói riêng và cộng đồng nói chung hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người học.
“Hiện, Bộ đang rà soát, sửa đổi tiêu chí, xây dựng mô hình trường học an toàn. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để học sinh vận dụng được kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước để tự bảo vệ bản thân” - ông Đề cho biết, đồng thời nhấn mạnh: phòng, chống đuối nước sẽ khó mang lại hiệu quả, nếu nhà trường và gia đình không phối hợp với nhau.
Các trường cần tìm giải pháp lắp đặt bể bơi để dạy bơi cho học sinh. |
Trước tình trạng số bể bơi ở các trường học rất hạn chế, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế phù hợp để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư xây lắp bể bơi; các địa phương cần tạo điều kiện để các tổ chức, DN phối hợp với các trường học tổ chức dịch vụ dạy bơi cho trẻ em ở những nơi có điều kiện cho phép.
Đại diện Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng cho biết, dịp hè vừa qua, Thành phố đã đầu tư cho các trường 40 hệ thống bể bơi phao. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách có hạn, việc trang bị bể bơi cho các trường vẫn gặp nhiều khó khăn. “Giải pháp bền vững nhất, đó là phải huy động được nguồn vốn xã hội hóa, với việc tham gia của các DN” – đại diện Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng chia sẻ.
Đại diện Sở này cũng cho biết, thời gian tới địa phương sẽ thí điểm việc cho phép các DN phối hợp với nhà trường để lắp đặt bể bơi, sau đó DN quản lý, khai thác và có thu phí đối với học sinh với mức phí phù hợp.