Yêu cầu trên được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thể hiện rõ tại Chỉ thị số 1393/CT-KTNN về việc khẩn trương hoàn thành kế hoạch công tác năm 2024 và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN trong thời gian tới.
Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, thủ trưởng các đơn vị cần quán triệt yêu cầu trên, tập trung nâng cao chất lượng thu thập thông tin, chuẩn bị thu thập thông tin từ sớm, từ nhiều nguồn khác nhau để lựa chọn đúng, trúng các chủ đề kiểm toán. Trong đó, đặc biệt quan tâm lựa chọn kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí cao như lĩnh vực đầu tư công, đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Từ đó góp phần cùng với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài đối với các dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế yếu kém.
Trước mắt, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các KTNN chuyên ngành, khu vực cần khẩn trương rà soát ngay những dự án, công trình có biểu hiện lãng phí, những vấn đề dư luận bức xúc trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách để cập nhật, xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2025.
Đồng thời, tập trung kiểm toán đánh giá bất cập của cơ chế, chính sách làm ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế như: các quy định về cơ chế quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nướ. Từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng nguồn lực công và ngăn ngừa thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách. Đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề; chú trọng nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia để đưa ra khuyến nghị nhằm phòng, chống lãng phí ngay từ khâu phân bổ dự toán và phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tổng Kiểm toán nhà nước giao cho Vụ Tổng hợp chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc xây dựng hướng dẫn về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn đầu mối kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chi tiết, nhất là đối với lĩnh vực có nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí cao.
Đối với các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành trong năm 2025, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu phải chủ động, khẩn trương xây dựng đề cương kiểm toán ngay trong năm 2024 đảm bảo chất lượng, kịp thời tổ chức thực hiện kiểm toán ngay từ đầu năm 2025.
Trong đó, quá trình xây dựng đề cương kiểm toán cần lưu ý thu thập thông tin cần thiết và nhận diện các hành vi lãng phí trong phạm vi cuộc kiểm toán (nếu có) để hướng dẫn cụ thể về xác định phạm vi, nội dung, phương pháp kiểm toán và bố trí nhân sự, thời gian kiểm toán phù hợp nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu của cuộc kiểm toán.
Để đảm bảo các báo cáo kiểm toán phản ánh trung thực, khách quan và kịp thời các sai phạm, lãng phí, từ đó kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, kiến nghị các giải pháp khắc phục hiệu quả, Tổng Kiểm toán nhà nước giao Vụ chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ trì xây dựng các hướng dẫn kiểm toán để tổ chức thực hiện trong năm 2025.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán.
Tăng cường công khai kết quả kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, công khai ngay kết quả kiểm toán phát hiện thất thoát, lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan; cũng như công khai các mô hình quản lý hiệu quả, cách làm hay của các địa phương, đơn vị qua hoạt động kiểm toán.
Tiếp tục quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ của công chức, kiểm toán viên, việc thực hiện quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực; lựa chọn, bố trí những công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác, nhất là vị trí Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; không bố trí tham gia Đoàn kiểm toán đối với những công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ.
Cùng với đó, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào toàn bộ hoạt động của KTNN, tập trung đẩy mạnh việc kết nối dữ liệu với đơn vị được kiểm toán nhằm thích ứng với xu thế phát triển về phương pháp kiểm toán trong môi trường số. Đây là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành và là nhiệm vụ bắt buộc gắn với trách nhiệm của các cấp, các đơn vị; tập trung ưu tiên hiện đại hóa công tác kiểm toán để tăng tính minh bạch, giảm thiểu sai sót và tối ưu hóa mọi nguồn lực của KTNN./.