Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần phải thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực ngay chính nội bộ cơ quan, tạo bước đột phá, thiết lập trật tự, kỷ cương, tạo nên vị thế và uy tín của cơ quan kiểm toán.

1(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Chiều 14/11, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Giải pháp phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN” do ThS. Đặng Thế Bình - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VIII và ThS. Lê Việt Đức - Chánh văn phòng KTNN khu vực X đồng chủ nhiệm.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó Tổng KTNN làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và Ban đề tài.

2(1).jpg
ThS. Đặng Thế Bình - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VIII trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo Ban đề tài, trải qua 30 năm nỗ lực phấn đấu xây dựng, KTNN không ngừng phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, với địa vị pháp lý là cơ quan độc lập, KTNN có vai trò, trách nhiệm lớn trong phòng chống tham nhũng (PCTN), được thể hiện thông qua các kiến nghị tăng thu, giảm chi cho ngân sách Nhà nước; kiến nghị, sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật nhằm bịt “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán của KTNN đã hướng vào những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí cao, đạt được nhiều kết quả tích cực. KTNN đã khẳng định được vị thế, vai trò của mình thông qua chất lượng và hiệu quả kiểm toán ngày càng được nâng cao. Những kiến nghị kiểm toán của KTNN đa dạng, sắc sảo và chất lượng, được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sử dụng trong giám sát, quản lý, điều hành nền kinh tế, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công. Việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện định kỳ đã tạo được dư luận tốt cả trong và ngoài nước.

dsc_5783.jpg
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhấn mạnh, việc PCTN, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán phải xuất phát từ thực tiễn hoạt động hằng ngày.  Ảnh: Nguyễn Ly

Đối với hoạt động nội bộ, để nâng cao chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên (KTV), KTNN đã thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế, quy trình hoạt động cho 4 đơn vị tham mưu, giúp Tổng KTNN thực hiện chức năng kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra. Các KTNN chuyên ngành và khu vực đều thành lập phòng Tổng hợp để giúp Kiểm toán trưởng thực hiện chức năng kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Trong những năm qua, hệ thống kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán ngày càng được tăng cường. Qua thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, các đơn vị kiểm soát chuyên trách đã phát hiện nhiều nội dung; góp nhiều ý kiến sát thực, có giá trị để Đoàn kiểm toán sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo kiểm toán. Qua đó, góp phần hạn chế sai sót, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đồng thời giúp các Đoàn kiểm toán rút kinh nghiệm, tránh sai sót, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ thuật soạn thảo báo cáo kiểm toán, cũng như ngăn ngừa các sai phạm về pháp luật và đạo đức nghề nghiệp KTV.

KTNN đã nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN tiêu cực; kịp thời ban hành các văn bản theo thẩm quyền nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa hoạt động PCTN phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao và PCTN trong chính cơ quan KTNN. Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán được phát hiện trong thời gian qua về cơ bản đều đã được xử lý nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, tạo ra tác dụng răn đe rất lớn đối với cán bộ, công chức toàn Ngành.

3.jpg
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Để tăng cường công tác PCTN, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, Ban đề tài đề xuất các nhóm giải pháp: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức của KTNN đối với công tác PCTN, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; Nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và tăng cường quán triệt ý thức PCTN, tiêu cực; Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với KTV phù hợp với đặc thù nghề nghiệp kiểm toán; Tăng cường hoạt động kiểm soát soát chất lượng kiểm toán, thanh tra công vụ; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán của KTNN…

Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1- Cơ sở lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 2 - Thực trạng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 3 - Quan điểm và giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu cũng như những giải pháp, đề xuất của Ban đề tài, Hội đồng khoa học KTNN cho rằng, đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” ở nước ta hiện nay.

Để đề tài có giá trị khoa học và tính thuyết phục cao, các thành viên Hội đồng khoa học đề nghị Ban đề tài tách riêng giải pháp cho phòng tham nhũng, tiều cực (tức là ngăn ngừa) và giải pháp riêng cho chống tham nhũng, tiêu cực; bổ sung giải pháp bồi dưỡng và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp để hạn chế hành vi tiêu cực của KTV trong hoạt động kiểm toán.

Ban đề tài bổ sung thêm các nội dung trong Quy định 189-QĐ/TW liên quan đến nội dung Đề tài để có tính cập nhật và thời sự. Trong đó lưu ý Điều 11 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, KTNN. Bổ sung một số nội dung trong giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và tăng cường quán triệt ý thức PCTN, tiêu cực cho đội ngũ KTV, xử lý kỷ luật Đảng cho phù hợp với Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhấn mạnh, việc PCTN, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán phải xuất phát từ thực tiễn hoạt động hằng ngày, bao gồm việc tuân thủ quy định của KTNN, từ hồ sơ mẫu biểu, nhật ký kiểm toán đến tất cả các hoạt động của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, công tác quản lý, điều hành, vai trò lãnh đạo của người đứng đầu đơn vị...

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó cần làm rõ chủ thể PCTN; chuẩn hóa một số khái niệm, thuật ngữ, quy định; nhấn mạnh nội dung về nhận diện hành vi tham nhũng, tiêu cực; cập nhật một số thông tin, văn bản quy định của KTNN. Về giải pháp, cần cụ thể đến từng đối tượng, xác định rõ nguyên nhân để giải quyết triệt để những vấn đề còn kẽ hở, hạn chế.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Xuất sắc.

Cùng chuyên mục
  • Vai trò của SAI trong việc hài hòa giữa phát triển hạ tầng công cộng số và thu hẹp khoảng cách giới
    7 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Kế thừa và phát triển cam kết của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) về kiểm toán phát triển bền vững tại Tuyên bố Hà Nội và tận dụng công nghệ mới trong hoạt động kiểm toán tại Tuyên bố Bangkok, Tuyên bố New Delhi được thông qua tại Đại hội ASOSAI 16 đã đề xuất nhiều khuyến nghị và bài học kinh nghiệm hữu ích cho Chính phủ trong xây dựng Hạ tầng công cộng số (DPI) cũng như cho các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong công tác kiểm toán.
  • Áp dụng mô hình quản lý thông tin công trình phục vụ hoạt động kiểm toán
    7 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Sáng 14/11, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức thẩm định Chương trình bồi dưỡng kiểm toán đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình theo mô hình thông tin công trình (BIM).
  • Kiểm toán nhà nước Việt Nam – Iran: Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán
    7 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng 14/11, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có buổi tiếp xã giao Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Akbar Nazari và Bí thư thứ ba Moslem Golestan.
  • Bài 3: Nhân lực - nguồn lực quan trọng nhất đang bị lãng phí
    7 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế...” cho thấy chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của nguồn nhân lực là nhất quán, xuyên suốt. Song thực tiễn cho thấy, việc khai thác, sử dụng nguồn lực này còn bất cập, lãng phí, gây rào cản lớn tới sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên “vươn mình”.
  • Bài 2: Muôn kiểu lãng phí
    7 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Phân bổ dự toán chi tiêu không đúng đối tượng; đất “vàng” bị bỏ hoang; người dân không có nhà để ở, dù dự án “đắp chiếu”. Ngay cả những cơ chế, thủ tục rườm rà gây khó cho người dân và làm phát sinh thêm chi phí… cũng là những biểu hiện của sự lãng phí đã được gợi mở trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư và được nhận diện rõ qua đánh giá của cơ quan chức năng cùng Kiểm toán nhà nước (KTNN)…
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước