Đến ngày 30/6, tình hình thực hiện dự toán, giải ngân vốn ngân sách nhà nước các chương trình MTQG thực hiện 79.921 triệu đồng, đạt 12,67% tổng vốn kế hoạch năm 2023 (bao gồm chuyển nguồn).
Trong đó, nguồn ngân sách trung ương khoảng 76.479 triệu đồng, đạt 13,1% kế hoạch năm. Cụ thể: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) là 33.141 triệu đồng (đạt 11,2%); Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 3.615 triệu đồng (đạt 4,8%); Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 39.723 triệu đồng (đạt 18,5% ).
Nguồn ngân sách tỉnh là 3.442 triệu đồng, đạt 7,3%. Cụ thể: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 3.442 triệu đồng (đạt 13,2%), Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chưa phân bổ chi tiết nên chưa giải ngân vốn.
Theo đánh giá của BCĐ Chương trình, tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn các nội dung chương trình MTQG tại địa phương còn chậm; một số Bộ, ngành trung ương chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ, kịp thời về thực hiện các chương trình MTQG, các dự án, tiểu dự án thành phần; nguồn lực ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG còn hạn chế…
Để thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ đề nghị, các địa phương phải tập trung rà soát lại các quy hoạch liên quan đến việc triển khai các công trình, dự án thuộc 3 chương trình này.
Các sở, ngành cần chủ động làm việc với các Bộ, ngành trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong hướng dẫn thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình.
“Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở ngành để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án, ưu tiên giải ngân hết nguồn vốn năm 2022; đồng thời có giải pháp tích cực trong công tác giải ngân nguồn vốn năm 2023 đạt tỉ lệ cao” – ông Lê Tấn Hổ nhấn mạnh./.