Để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ người lao động, DN cần tiếp tục được triển khai. Ảnh: Internet |
Giảm nguồn cung lao động, thất nghiệp gia tăng
Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động, việc làm. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&X) Lê Văn Thanh, trong quý III/2021, 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm.
Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề. 4,59% lao động vùng Đông Nam Bộ và 44,7% lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.
Trong quý III/2021, lực lượng lao động là 49,1 triệu lượt người, giảm 22 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2020; lao động việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, năm 2021, số lượng lao động giảm việc làm rất trầm trọng.
Tỷ lệ thiếu việc làm quý III/2021 là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người, tăng 1,86% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tương đương hơn 1,7 triệu người, tăng hơn 1,25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cơ cấu việc làm bị đảo chiều, lĩnh vực nông lâm thủy sản tăng, lĩnh vực dịch vụ công nghiệp giảm, điều này ngược lại với chuyển dịch cơ cấu việc làm thông thường. Số lao động trong nông lâm thủy sản là 14,5 triệu người, tăng lên 479.000 người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960.000 người so với cùng kỳ năm trước. Lao động ngành việc làm trong ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, lĩnh vực dịch vụ giảm rất lớn.
Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho biết thêm, tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch ở khía cạnh giảm tiền lương và gia tăng tình trạng phi chính thức. Tiền lương trung bình trong ngành du lịch giảm gần 18%, trong đó, tiền lương của lao động nữ còn giảm nhiều hơn, ở mức gần 23%. Trong khi số lao động phi chính thức trong ngành du lịch tăng 3% trong năm 2020, số lượng lao động chính thức giảm đến 11%.
Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ
Nhận định về tương lai của thị trường lao động, đặc biệt là lao động ngành du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, bà Sara Elder - Chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO - cho rằng, công cuộc phục hồi sẽ mất nhiều thời gian và các chính phủ cần tiếp tục triển khai những biện pháp hỗ trợ.
Từ thực tế của địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP. HCM cũng kiến nghị, cần có những chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn đầu quay trở lại làm việc như: hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát Covid-19… Cùng với đó, cần đẩy mạnh liên kết vùng trong điều tiết cung cầu lao động phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Dẫn chứng tại DN mình, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho biết: Đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tình trạng thiếu hụt lao động chủ yếu xuất hiện ở những DN trẻ hoặc vẫn sử dụng nhiều lao động dịch chuyển ở các tỉnh ngoài. Còn các DN lâu năm có chế độ tốt và đã có khu trọ thì ít lao động về quê.
Từ đây, ông Lê Tiến Trường cho rằng, một hệ thống an sinh của đất nước, cộng với hệ thống chính sách mang tính nội tại của DN thật hoàn chỉnh sẽ là điều kiện cơ bản để thị trường lao động, lực lượng lao động phát triển bền vững, lâu dài hơn.
Hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội là một phần nội dung quan trọng của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với 7 nhóm giải pháp lớn: hỗ trợ trực tiếp người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho DN ổn định sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động; hoàn thiện bền vững thị trường lao động; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.
Như vậy, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH cũng như của DN, các chuyên gia và nhà quản lý đều cho thấy, các chính sách hỗ trợ người lao động, DN là điều kiện quan trọng để góp phần phục hồi thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới./.