Quang cảnh phiên chất vấn chiều 10/8. Ảnh: quochoi.vn |
Lấy du lịch nội địa làm “bệ đỡ”
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp phục hồi ngành du lịch, đẩy mạnh thu hút khách du dịch quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, trong đại dịch Covid-19, du lịch chịu tác động nhiều nhất. “Dù du lịch Việt Nam chưa tính toán chi tiết nhưng thiệt hại rất lớn vì hầu như phải “đóng băng” mọi hoạt động. Chỉ từ sau 15/3, Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch thì khách nội địa mới tăng lên và cán đích chỉ tiêu” – Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, khách quốc tế năm nay đã đạt gần 1 triệu lượt, tăng 10 lần so với năm 2021, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên. Trong tình hình khách quốc tế ít, Việt Nam chọn du lịch nội địa làm “bệ đỡ”. Bằng sự kích cầu du lịch nội địa, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, nhất là doanh thu từ lữ hành như: Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM. Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có tăng trưởng.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Nhìn nhận việc đón khách quốc tế còn khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần tiếp cận từ hai góc độ. Một là muốn tổ chức đón khách quốc tế phải tính toán điểm đi và điểm đến, tức là đảm bảo sự kết nối giữa nơi đón khách và nơi khách đi. Việc này cần vai trò của đơn vị lữ hành trong kết nối thị trường.
Hai là, cần chủ động làm mới sản phẩm du lịch. Theo Bộ trưởng, khách quốc tế đang có xu hướng lựa chọn không đi theo số đông mà chọn điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn nhu cầu về văn hóa. Đây là lợi thế của Việt Nam so với các nước nên cần dựa vào đây để khai thác, đưa ra sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế.
Cũng theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, so với các nước ASEAN thì số lượng khách đến Việt Nam chưa nhiều, nhưng cũng vượt xa một số nước Philippines, Campuchia, Indonesia; thấp hơn Thái Lan, Malaysia.
Phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư vào du lịch
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngành du lịch còn rất nhiều khó khăn. Theo đó, các cơ sở vật chất sau thời gian dịch bệnh cần được nâng cấp, sửa chữa; khó khăn trong kết nối tour, liên kết vùng trong phát triển du lịch…
Để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực du lịch, theo Bộ trưởng, cần có những giải pháp đồng bộ. Trước hết, Bộ trưởng đề nghị kéo dài thêm thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực du lịch đến năm 2023, để nuôi dưỡng, phục hồi ngành du lịch.
Xác định một trong những khó khăn lớn nhất để phục hồi và phát triển ngành du lịch là sự chuyển dịch nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch trong đại dịch, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần đánh giá tổng thể lại thực trạng nguồn nhân lực du lịch để có giải pháp căn cơ, trước mắt phải có giải pháp đào tạo nghề.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án Phát triển khung trình độ quốc gia một số ngành, nghề trọng điểm lĩnh vực du lịch. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành thẩm định và ban hành một số Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với tiêu chuẩn nghề ASEAN; danh mục các ngành đào tạo cấp IV lĩnh vực du lịch từ trình độ trung cấp đến sau đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Về chính sách đào tạo, Bộ đã giao nhiệm vụ cho các trường liên kết, chủ động với các doanh nghiệp đào tạo theo tín chỉ, đào tạo rút ngắn, đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc để có một lực lượng bắt tay vào làm ngay, khắc phục sự thiếu hụt trong vấn đề về cơ sở lưu trú, bởi 70% nhân lực làm công tác du lịch làm ở cơ sở lưu trú.
Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề xuất 7 nhóm giải pháp căn cơ để phát triển nhân lực lĩnh vực du lịch. Đó là, đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng; hình thành kỹ năng mới, thích ứng thay đổi thế giới việc làm; triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, tiến tới công nhận bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN và quốc tế.
Đồng thời, tổ chức thi cấp chứng chỉ tay nghề quốc gia ASEAN, hướng tới các hoạt động hướng dẫn du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, có chính sách thu hút nhân lực vào học, làm việc đi đôi với nâng cao năng lực hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng đích thực của kỹ năng lao động.
Quy hoạch liên kết đồng bộ giữa Trung ương, địa phương, các ngành, gắn kết doanh nghiệp lữ hành với nhà trường trong đào tạo phát triển du lịch, đa dạng hóa các hình thức học tập, đào tạo và mở rộng địa bàn đào tạo. Tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, gắn kết học văn hóa với học nghề.
Về giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, cần tập trung đào tạo lại cho người lao động, trong đó tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30/2021/QH15. Ngoài ra, hiện nay còn khoảng 3.400 tỷ đồng trong Quỹ Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và phát triển, mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Văn hóa cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp xây dựng đề án để hỗ trợ phục hồi cho lực lượng lao động này. Đồng thời, tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh thực hiện mô hình vừa học vừa làm trong trường nghề và trường văn hóa. Như vậy, sẽ có một lực lượng vừa đào tạo dài hạn vừa đào tạo trước mắt.
Liên quan đến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Luật Đầu tư theo phương thức công - tư không đề cập đến vấn đề thu hút lĩnh vực du lịch. Trong Luật Đầu tư cũng quy định du lịch không phải là ngành nghề được ưu đãi nên cũng ảnh hưởng đến chính sách thu hút trong lĩnh này.
Vì vậy, để ngành du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kiến nghị, đề xuất một số nội dung về thể chế, trong đó có các chính sách để mở rộng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch…
Phát biểu cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bản chất du lịch là một ngành kinh tế. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết, Chính phủ đã có chương trình hành động trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Phó Thủ tướng, muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp mạnh mẽ và đột phá. Hiện các giải pháp đã có đầy đủ song nhiều giải pháp thực hiện chậm, chưa đủ đột phá và chưa quán triệt đầy đủ tinh thần du lịch phải thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực này. Chính phủ cũng đã có chương trình họp liên ngành để xử lý rốt ráo các vấn đề này” - Phó Thủ tướng cho biết.
Đ. KHOA