Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tần số vô tuyến điện
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định: Dự án Luật là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, DN, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, DN sử dụng tần số vô tuyến điện.
Dự án Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó: bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều; bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ Dự thảo.
Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm vấn đề về: quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; khoản thu từ việc sử dụng tần số; sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các luật có liên quan…
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ: Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật. Đồng thời, tiếp tục rà soát quy định về giải thích từ ngữ; quy định về sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện trong trường hợp có tình huống khẩn cấp; quy định cụ thể một số nội dung cần điều chỉnh, hạn chế phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật…
Bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh
Tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH đã tập trung thảo luận về sự cần thiết phải sửa đổi Luật; sự phù hợp của dự thảo Luật với chủ trương của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế; việc cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng được kết hợp sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội; việc cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện…
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Góp ý kiến vào dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần rà soát dự án Luật sao cho đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch, Luật Đấu giá tài sản, Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, đánh giá đầy đủ tác động của việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần có quy định bố trí tần số dự phòng để phục vụ cho các tình huống khẩn cấp như trong thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và cả phục vụ cho việc đảm bảo quốc phòng an ninh…
Về đấu giá tần số vô tuyến điện, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, rõ ràng, tránh xảy ra lợi ích nhóm nhằm đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế và công bằng trong cạnh tranh lành mạnh trên thị trường kinh doanh thông tin di động. Việc đấu giá cũng phải thực hiện theo quy định của Luật hiện hành về pháp luật đấu giá tài sản cũng như các quy định hiện hành khác có liên quan.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế số, xã hội số. Các quốc gia đều chú trọng khẳng định và thúc đẩy để bảo vệ các quyền lợi, nhất là về chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh. Do đó, trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật cần quán triệt quan điểm lớn này. Đồng thời, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần có đánh giá tác động cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng các điều lệ, thông lệ quốc tế khi DN Việt Nam tham gia và hội nhập với quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo dự án Luật bổ sung, làm rõ điều kiện đối với chủ thể được phân bổ băng tần để đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất, tránh tích tụ băng tần gây lãng phí tài nguyên quốc gia. Việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cũng phải có tiêu chí cụ thể, đảm bảo tính công khai minh bạch, xem có vướng mắc gì về các quy định pháp luật, hình thức đấu giá cần phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, cần làm rõ quy trình đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hay theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện; làm rõ việc DN có yếu tố nước ngoài tham gia thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng băng tần vì đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền số.
Về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh quốc phòng và việc việc cấp cho DN phải dựa vào tiêu chí cụ thể nên cần rà soát thêm. Việc sử dụng băng tần trong điều kiện, tình trạng khẩn cấp cũng cần có quy định rõ ràng, cụ thể.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của UBTVQH để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trong đó lưu ý, cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng liên quan đến phát triển, quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả tần số vô tuyến điện để phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc xây dựng dự án Luật phải bao quát, thể hiện tần số vô tuyến điện là tài sản công quốc gia quan trọng, ngày càng có giá trị cao, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng phải được quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch, đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu thêm thông lệ quốc tế, kinh nghiệm quốc tế và được sử dụng có hiệu quả bảo vệ lợi lợi ích an ninh, chủ quyền số quốc gia.../.
Đ. KHOA