Quản lý thuế thương mại điện tử: Giải pháp nào vượt thách thức?

(BKTO) - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam, công tác quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động này vẫn còn không ít thách thức, cần các giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Giai đoạn 2018-2021, tốc độ thu bình quân đạt 130%

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến: “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đánh giá, ngành thuế là ngành tiên phong và là ngành đầu tiên được đánh giá cao nhất trong chuyển đổi số, ngành đi đầu trong chuyển đổi số của Việt Nam. Việt Nam được quốc tế đánh giá là 1 trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử.

Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế - bà Nguyễn Thị Lan Anh - thông tin, số thu từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỷ đồng. Số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm, tốc độ thu bình quân giai đoạn 2018-2021 đạt 130%, đặc biệt số thu năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020.

Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào NSNN như: Facebook 2.099 tỷ đồng; Google 2.114,6 tỷ đồng; Microsoft 714 tỷ đồng… Kết quả sau hơn 5 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022 đến nay đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT cung cấp dịch vụ số, lũy kế hết tháng 8/2022 cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 1.082 tỷ đồng. Số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2022 tăng cao với 520,7 tỷ đồng, gấp đôi số thu năm 2021.

Theo các đại biểu tham dự Tọa đàm, thành công này là do ngành thuế và các Bộ, ngành liên quan đã sớm nắm bắt được xu hướng phát triển của TMĐT và tiên phong trong áp dụng những công nghệ quản lý mới vào công tác quản lý thuế. Bên cạnh triển khai về mặt kỹ thuật, công nghệ thì việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cũng được chú trọng. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Luật Quản lý thuế tích hợp ngay những nội dung về quản lý thuế đối với TMĐT, sau đó là các hướng dẫn thực thi của Chính phủ.

Ngoài ra, đó còn là kết quả phối hợp trao đổi, kết nối thông tin, xây dựng chính sách pháp luật đồng nhất trong quản lý hoạt động TMĐT giữa các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương hay Ngân hàng Nhà nước…
                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Nhiều thách thức không nhỏ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các chuyên gia cảnh báo, với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam, thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý thuế.

Thứ nhất, khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Trong điều kiện nền kinh số, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào dựa theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống. Theo đó, các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.

Thứ hai, khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế. Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại một nước hay một địa bàn cụ thể. Nói cách khác, “sự hiện diện trong không gian số” không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật thuế hiện hành mà đang căn cứ chủ yếu vào “sự hiện diện vật chất” của tổ chức kinh doanh hay người nộp thuế.

Thứ ba, trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường. Đồng thời, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử...

Thứ tư, khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Cập nhật, hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp công nghệ 4.0

Trước thách thức nêu trên, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được Bộ Tài chính phê duyệt với rất nhiều giải pháp, trong đó giải pháp rất quan trọng là tăng cường trách nhiệm của người nộp thuế, trách nhiệm của người có liên quan, tổ chức trung gian. Ví dụ như các sàn giao dịch điện tử sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế và đó cũng là giảm thiểu thủ tục hành chính trong việc kê khai nộp thuế. Ngành thuế cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp về công nghệ thông tin, công nghệ 4.0, các công nghệ Big Data, AI… vào việc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các ban ngành có liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Bộ Tài chính đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và đang trong quá trình xây dựng, ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý dòng tiền, trong đó có các quy định về bảo mật, an toàn thông tin. Ngành thuế cũng sẽ tăng cường phối hợp với Cục An ninh mạng, Bộ Công an trong việc rà soát thông tin của những cá nhân có thu nhập lớn từ các nền tảng xuyên biên giới.

Ngoài ra, đại diện Tổng cục Thuế cho biết thêm, ngành thuế cũng nhuận nhiều ý kiến, hiến kế, trong đó có đề xuất thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với hoạt động TMĐT. Đây là một giải pháp rất hay cũng là khuyến nghị của OECD và được áp dụng thành công ở một số nước như: Argentina, Ecuador hay Paraguay… Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần phải củng cố căn cứ pháp lý như: sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hay Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

“Ngành thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp này vì đó là giải pháp rất hay. Khi có một giao dịch TMĐT phát sinh thì sẽ có ngay một dòng tiền thuế giá trị gia tăng vào thẳng NSNN, không mất nhiều thời gian, công sức của người nộp thuế cũng như cơ quan thuế” - bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay.

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, bên cạnh khuôn khổ pháp luật tốt, hoàn thiện, rất cần chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ để có được cơ sở dữ liệu số, phục vụ tốt cho công tác quản lý thuế. Do đó, cần đẩy mạnh xây dựng dữ liệu số và chia sẻ dữ liệu dùng chung, đồng thời ứng dụng mạnh hơn những thành tựu công nghệ 4.0 như: AI, Big Data và đặc biệt là Blockchain… vào quản lý các sàn TMĐT. Cơ quan chức năng sẽ nắm rõ các hoạt động giao dịch điện tử, từ nguồn gốc hàng hóa đến quá trình giao dịch.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế để khuyến khích các đối tượng nộp thuế tự giác, bởi nếu có một cơ chế tốt thì người nộp thuế sẽ tự tính toán, cân nhắc thấy việc tự giác khai báo thuế sẽ được nhiều lợi ích hơn là cố tình trốn thuế, từ đó tự điều chỉnh hành vi thực hiện nghiêm các quy định về thuế./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Quản lý thuế thương mại điện tử: Giải pháp nào vượt thách thức?