Quan ngại tình trạng nới rộng khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập

(BKTO) - Theo các chuyên gia, quan sát thực trạng thị trường bất động sản và khả năng chi trả của người dân có thể thấy khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập đang ngày càng nới rộng, ngay cả một bộ phận người có thu nhập cao cũng khó có thể mua nhà nếu chỉ dựa vào thu nhập thường xuyên. Điều này đặt ra thách thức lớn về khả năng tiếp cận nhà ở của đại đa số người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

nha.jpg
Khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập ngày càng nới rộng. Ảnh minh họa: S.T

Giá nhà quá cao, người giàu cũng khó “với tới”

Theo nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), khả năng chi trả nhà ở của người dân đã giảm mạnh trong vài năm qua, đến mức nhóm đại diện cho 20% dân số có thu nhập cao nhất tại Việt Nam - nhóm 5, theo phân loại của Tổng cục Thống kê, cũng không thể mua nhà, nếu xét theo quy tắc giá nhà không vượt quá một phần ba thu nhập.

Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập cao nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 14,47 triệu đồng tại Hà Nội; 13,8 triệu đồng tại Đà Nẵng; 13,26 triệu đồng tại TP. Hồ Chí Minh; 13,9 triệu đồng tại Đồng Nai; 18,38 triệu đồng tại Bình Dương... Đây là nhóm được kỳ vọng có khả năng sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mà không cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế khi đối diện với bài toán sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ngay cả nhóm này cũng gặp không ít trở ngại.

Theo đó, giả định mỗi hộ gia đình có 2 người trong tuổi lao động đều thuộc nhóm có thu nhập cao nhất thì thu nhập bình quân của nhóm này ước tính khoảng 30 triệu đồng/tháng/hộ, tương đương với khoảng 360 triệu mỗi năm.

Khả năng chi trả tối đa nếu áp dụng quy tắc tài chính phổ biến là chi phí nhà ở không vượt quá 1/3 thu nhập là khoảng 6,7 triệu đồng mỗi tháng, tương đương khoảng 80 triệu đồng mỗi năm. Trong khi đó, mỗi căn hộ thương mại tại các đô thị lớn kể trên có giá dao động từ từ 40 - 70 triệu đồng/m², tùy khu vực và phân khúc. Như vậy, một căn hộ có diện tích nhỏ (khoảng 60m²) sẽ có giá khoảng 2,5 - 3,5 tỷ đồng.

Nếu nhóm 5 quyết định mua một căn hộ 60m² giá khoảng 3,5 tỷ đồng và vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà, tức 2,45 tỷ đồng, với lãi suất 8%/năm trong vòng 20 năm, khoản trả góp hàng tháng sẽ vào khoảng 25 - 27 triệu đồng, tương ứng với khoảng hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Với mức chi trả tối đa 80 triệu đồng/năm, gần như không thể mua nhà.

“Nhóm có thu nhập cao nhất, đại diện “top 20%” của cả nước cũng gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà ở. Đồng nghĩa với việc các nhóm thu nhập thấp hơn gần như không có cơ hội. Nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân không được đáp ứng, không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc đảm bảo an sinh xã hội mà còn dẫn đến sự bất ổn dài hạn cho thị trường bất động sản và tạo hệ lụy rủi ro kinh tế vĩ mô” - ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS chia sẻ.

gia.jpg
Giá nhà tăng cao đang đặt ra thách thức lớn về khả năng tiếp cận nhà ở của đại đa số người dân. Ảnh minh họa: S.T

Cách nào để giải “bài toán”…?

Lý giải nguyên nhân khả năng chi trả nhà ở của người dân giảm mạnh trong vài năm qua, các chuyên gia cho rằng, trước hết là do giá bất động sản tại các đô thị lớn, vốn đã vượt xa khả năng tài chính của đại đa số người dân, lại tăng nhanh, hơn gấp nhiều lần tốc độ tăng thu nhập.

Cụ thể, sau đại dịch Covid-19, giá bất động sản, nhất là loại hình căn hộ, tại các đô thị lớn có giá nhà cao nhất cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh liên tục tăng, thiết lập mặt bằng mới cao hơn từ 30% so với năm 2019. Trong khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tại thành thị năm 2023 chỉ tăng khoảng 4% so với thống kê của Tổng cục Thống kê vào năm 2019. Thu nhập bình quân của nhóm 5 tại Hà Nội và Đà Nẵng năm 2023 chỉ tăng lần lượt 3% và 7% so với năm 2019. Thậm chí, thu nhập bình quân của nhóm 5 tại TP. Hồ Chí Minh còn ghi nhận mức tăng trưởng âm 8%. Điều này khiến khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà ngày càng rộng, đặc biệt là đối với những hộ gia đình thuộc nhóm trung lưu và cận cao cấp.

Thứ hai là do thiếu hụt nguồn cung nhà ở phù hợp. Theo đó, nguồn cung nhà ở hiện nay chủ yếu tập trung vào phân khúc trung, cao cấp trở lên. Mặc dù nhu cầu ở phân khúc này cũng rất lớn nhưng nhu cầu nhà ở vừa túi tiền mới là nhu cầu chính của thị trường. Trên thị trường, có rất ít dự án nhà ở có giá dưới 30 triệu đồng/m², khiến đa số người dân, kể cả nhóm 5, không có lựa chọn phù hợp.

Bên cạnh đó còn có tình trạng một số chủ đầu tư lợi dụng sự khan hiếm nguồn cung của thị trường để tăng giá bán bất hợp lý, khiến mặt bằng giá bất động sản tăng cao, ngay cả với các khu vực không có nhiều lợi thế về hạ tầng, cũng gây khó khăn cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực.

Thứ ba, một trong những yếu tố chính thúc đẩy giá bất động sản tăng vọt là do hành vi đầu cơ. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác còn nhiều biến động, tâm lý tích trữ tài sản và kỳ vọng giá bất động sản tiếp tục tăng khiến nhiều người mua nhà đất không nhằm mục đích sử dụng thực tế. Họ mua nhà đất rồi bỏ hoang, không đưa vào sử dụng, chờ tăng giá, khiến tình trạng mất cân đối cung - cầu càng trở nên trầm trọng.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, một yếu tố nữa ít được đề cập nhưng có ảnh hưởng lớn không kém chính là chi phí tài chính. Mặc dù lãi suất đã giảm, tuy nhiên, người vay mua nhà tại Việt Nam vẫn phải chịu lãi suất cho vay thả nổi sau ưu đãi từ khoảng 10% trở lên. Điều này cũng tạo áp lực về mặt tài chính cho người mua nhà.

Chi phí tài chính, cùng với chi phí đầu tư, chi phí đất đai đang liên tục tăng cao đồng thời cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án của các doanh nghiệp bất động sản và trực tiếp làm tăng giá nhà.

Với thực trạng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền khan hiếm, cùng với việc giá bất động sản tăng nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ tăng thu nhập, điều này theo các chuyên gia đã tạo ra khoảng trống lớn trong phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Để giải quyết “bài toán” này, các chuyên gia cho rằng, trước hết, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và vốn vay cho các dự nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền. Khi nguồn cung đủ lớn và phù hợp với nhu cầu thực, giá nhà theo đó sẽ được điều chỉnh về mức cân bằng của cán cân cung - cầu thực, tạo cơ hội sở hữu nhà ở cho đông đảo người dân.

Đặc biệt, Nhà nước cần đẩy mạnh việc cải thiện hạ tầng kết nối, “nhân rộng” việc phát triển đô thị theo mô hình TOD - mô hình phát triển đô thị tập trung vào giao thông công cộng. Đây là xu hướng tất yếu để giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân đô thị Việt Nam.

Theo đó, nếu các khu dân cư, thương mại và dịch vụ được xây dựng xung quanh các trục giao thông công cộng như tàu, metro, xe bus nhanh, khi hạ tầng kết nối được cải thiện, người dân có thể đi làm, tiếp cận các tiện ích từ khoảng cách rất xa trong thời gian rất ngắn với chất lượng cuộc sống được nâng cao. Khi đó, người mua nhà chắc chắn sẽ sẵn sàng di chuyển sang các khu vực vùng ven, nơi doanh nghiệp có thể phát triển các dự án có mức giá thấp hơn./.

Cùng chuyên mục
  • Đảm bảo tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết
    11 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Với phương châm: “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, 100% các tổ chức Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc triển khai các hoạt động phù hợp, bảo đảm thiết thực, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ).
  • Cả nước thiệt hại 1.585,9 ha rừng
    12 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Theo số liệu thống kê, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 11/2024 ước đạt 31,4 nghìn ha, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
  • Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính
    12 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Công tác cải cách hành chính luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
  • Trao Giải Ảnh “Khoảnh khắc Báo chí" năm 2024
    12 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Sáng 06/12, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận đã tổ chức Lễ trao Giải Ảnh “Khoảnh khắc báo chí” năm 2024. Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - đã đến dự. Cùng dự Lễ trao Giải còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các cơ quan báo chí và đông đảo nhà báo, các tác giả đạt giải.
  • Quy mô sản xuất kinh doanh của nhiều hộ dân giảm
    12 ngày trước Xã hội
    (BKTO) - Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 11/2024, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 96,2%; tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết so với tháng cùng kỳ năm 2023 là 3,8%.
Quan ngại tình trạng nới rộng khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập