
Nhiều cách làm thiết thực và hiệu quả
Phát huy hiệu quả các nguồn lực, nhiều địa phương trên đại bàn tỉnh Quảng Nam đã vượt qua khó khăn để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, mở ra cơ hội thoát nghèo thực chất cho người dân, hướng đến một cuộc sống ổn định, thịnh vượng hơn, từ đó góp phần tạo sức bật cho công cuộc giảm nghèo của tỉnh.
Trong đó, tại xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ về sinh kế để phát triển kinh tế gia đình. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) xã Sông Kôn cho biết, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó chủ yếu là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương đã hỗ trợ hàng trăm hộ dân về cây giống, con giống như: Bò, hươu, heo và các cây ăn quả, dược liệu…
“Địa phương đã lập danh sách các hộ dân đủ điều kiện, có đăng ký thoát nghèo bền vững để cấp con giống, cây giống, thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đầu ra sản phẩm.Nhờ vậy, nhiều hộ dân của xã Sông Kôn từ chỗ là hộ nghèo trước năm 2020, đến nay đã vươn lên thành hộ khá, hình thành cho mình một hệ sinh thái vườn với hàng chục loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao” - lãnh đạo UBND xã Sông Kôn chia sẻ.
Trước đây, đồng bào Giẻ Triêng ở xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn thường chăn nuôi heo theo hộ gia đình và thả rông ngoài vườn. Hình thức chăn nuôi này vừa khó kiểm soát đàn heo, không mang lại hiệu quả kinh tế. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ xã xây dựng mô hình nuôi heo đen theo nhóm hộ để làm điểm và nhân rộng ra toàn xã.
Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước là 5 con heo/hộ, 10 hội viên tham gia mô hình đã cùng nhau xây dựng chuồng trại để chăn nuôi tập trung. Nhờ đó, đàn heo phát triển nhanh, đã bắt đầu sinh sản những lứa đầu tiên. Thấy hiệu quả, nhiều hộ đã chủ động tham gia mô hình và đăng ký thoát nghèo...

Cùng với 2 huyện Đông Giang và Phước Sơn, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình sinh kế thiết thực cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ý thức vươn lên của người dân đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh.
Phấn đấu giảm 3.000 hộ nghèo
Theo kết quả rà soát cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh Quảng Nam còn 6,35% (tương đương 28.227 hộ), giảm 1,12% so với năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 4,56% (tương đương 20.272 hộ), giảm 1,01% so với năm 2023, tức đã đạt chỉ tiêu giảm bình quân 0,3-0,4% theo Quyết định số 652/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; còn tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều là 1,79% (tương đương 7.955 hộ), giảm 0,11% so với năm 2023.
Năm 2025, toàn tỉnh Quảng Nam phấn đấu giảm 3.000 hộ nghèo; trong đó, hộ nghèo cần giảm chủ yếu ở khu vực miền núi, với 2.959 hộ, đồng bằng chỉ giảm 41 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Theo lãnh đạo huyện Phước Sơn, năm 2025 huyện phấn đấu giảm 400 hộ nghèo và 200 hộ cận nghèo. Cơ sở để giảm số hộ nghèo này đều bắt nguồn từ nguồn lực đã đầu tư vào thôn nghèo, xã nghèo, huyện nghèo của Trung ương, tỉnh cùng với nỗ lực, ý thức vươn lên vượt nghèo của nhân dân.
“Cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với cuộc vận động của huyện là “Thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững”, người dân Phước Sơn đã từng bước giảm nghèo hiệu quả” - lãnh đạo huyện Phước Sơn chia sẻ; đồng thời cho biết, năm 2024, huyện đã giảm 487 hộ nghèo, năm này sẽ tiếp tục giảm nghèo nhằm đạt được mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2025 (tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 22,06%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 16,98%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,08%).
Trong khi đó, huyện Bắc Trà My muốn thoát khỏi huyện nghèo trong năm nay thì cần phải giảm nghèo vượt con số 865 hộ theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao. Lãnh đạo huyện Bắc Trà My cho hay, đây là con số không hề nhỏ, cần những giải pháp thực sự mang tính đột phá. Đưa Bắc Trà My thoát khỏi huyện nghèo là nhiệm vụ lớn của toàn hệ thống chính trị huyện, nên tất cả các ngành, địa phương đều có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ này.

Để đạt mục tiêu giảm nghèo, tỉnh Quảng Nam đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, trong đó tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, chính sách trợ giúp pháp lý.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững./.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng nguồn vốn thực hiện kế hoạch Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2026-2030 dự kiến hơn 2.613,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 2.276,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 337,5 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương sẽ tăng cường huy động các nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng để tạo thêm nguồn lực thực hiện kế hoạch có hiệu quả.