Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là trên 9.000 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương gần 6.800 tỷ đồng, đạt 94%.
Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến ngày 31/10/2024, Quảng Nam giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 4.400 tỷ đồng, tương đương 48,98%, gần bằng cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn năm 2024 giải ngân gần 47%, vốn năm 2023 kéo dài đạt trên 58%. Toàn tỉnh có 12 sở, ngành và 5/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình 48,98%.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 31/10/2024 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam, đại diện các sở, ngành, địa phương nhận định, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, khó khăn trong xác nhận nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường chưa sát thực tế và kiến nghị bồi thường quá cao của người dân.
Đặc biệt, hiện nay đang vào mùa mưa lũ, điều kiện thời tiết phức tạp, nguy cơ sạt lở đất rất cao, do đó tình hình giải ngân đối với các địa phương miền núi trong giai đoạn này rất khó được cải thiện. Hơn nữa, tỷ trọng khối lượng nhiều dự án khá lớn, nhiều dự án cần bổ sung, điều chỉnh cập nhật thiết kế dẫn đến chậm tiến độ thực hiện.
Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là 95% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo tất cả các dự án, tập trung quyết liệt hoàn thành các công việc còn tồn đọng. Các đơn vị cần làm việc liên tục, 3 ca 4 kíp, tranh thủ làm ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Các công trình thi công ngoài hiện trường phải được chỉ đạo chặt chẽ, nếu thiếu vật tư thì phải có biện pháp kịp thời để đảm bảo tiến độ xây dựng.
Đối với các công trình còn vướng thủ tục hồ sơ, cần hoàn thiện nhanh chóng để tiếp tục thi công. Các thủ trưởng phải chỉ đạo cấp dưới làm việc không ngừng nghỉ, làm việc chăm chỉ và mạnh dạn, quyết liệt hơn trong quá trình lãnh đạo điều hành.
Về quyết toán các công trình còn tồn đọng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu rà soát lại, dù là công trình nhỏ hay lớn, ít hay nhiều tiền, cũng phải hoàn thành. Những dự án kéo dài nhiều năm không chịu quyết toán, cần thiết phải xử lý kỷ luật đối với các chủ đầu tư để tình trạng này xảy ra.
“Trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương hiện chưa chặt chẽ, kịp thời, gây ra sự thiếu trách nhiệm, đề nghị khắc phục ngay tình trạng này. Nếu các chủ đầu tư gửi văn bản qua các sở, ngành mà quá 7 ngày không được xử lý, cần phản ánh trực tiếp cho Chủ tịch UBND tỉnh để ngăn chặn tình trạng đùn đẩy và né tránh trách nhiệm” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh./.