
Tính đến thời điểm này, tỉnh có hơn 240 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm OCOP 4 sao, còn lại là các sản phẩm đạt OCOP 3 sao. 100% sản phẩm OCOP đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc (mã QR Code), mã vạch.
Sau 6 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã tạo động lực thúc đẩy các chủ thể nâng cao chất lượng, hoàn thiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ, đưa các sản phẩm OCOP đến với nhiều người tiêu dùng. Các sản phẩm mạch nha, tỏi Lý Sơn, trà thảo mộc, gạo sạch, nước mắm, gốm Mỹ Thiện và nhiều nông sản khác của tỉnh đã dần chinh phục được nhiều thị trường. Năm 2023, mạch nha Quảng Ngãi - đường mantoza của Nhà máy Nha Quảng Ngãi (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) được công nhận OCOP 4 sao đã nâng tầm giá trị sản phẩm, giúp tăng trưởng cao hơn so với trước đây 10%. Cuối tháng 12/2024, sản phẩm này được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận có tiềm năng đạt OCOP 5 sao, kể từ thời điểm đó đến nay, đơn vị mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Những chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp các chủ thể là hộ kinh doanh, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường. Trước đây, các chủ cơ sở sản xuất bán sản phẩm chủ yếu qua những mối hàng quen biết, nên đơn hàng ít, sản phẩm tiêu thụ chậm, giá bán không ổn định, nhưng từ khi sản phẩm đạt sao OCOP, được các cơ quan chức năng hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp sản lượng tiêu thụ và giá bán sản phẩm OCOP tăng mạnh. Chương trình OCOP đã tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất truyền thống đầu tư phát triển sản phẩm đạt năng xuất, chất lượng và có giá bán cao.
Chương trình OCOP đã khai thác tiềm năng đất đai và giá trị văn hóa của từng địa phương, tạo ra sản phẩm “đa giá trị”, liên kết nông nghiệp với dịch vụ du lịch, khuyến khích sáng tạo trong sản xuất, chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ sang quy mô lớn, hiện đại, xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Đồng thời, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã và an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Như vậy, Chương trình OCOP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn tạo ra sự thay đổi toàn diện trong sản xuất, phát triển nông nghiệp.
Nhiều chuyển biến mới, đồng bộ trong sản xuất đã được tạo ra sau khi thực hiện Chương trình OCOP, góp phần quan trọng trong tái cấu trúc nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể như sản phẩm mạch nha Quảng Ngãi - đường mantoza, sau khi tham gia Chương trình OCOP, chủ thể không ngừng cải tiến chất lượng, bao bì nhãn mác. Đồng thời, định vị thị trường, định hướng phát triển dòng sản phẩm, vừa là nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất bánh, kẹo và thực phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hiện nay, công suất chế biến sản phẩm mạch nha Quảng Ngãi - đường mantoza đạt 25 tấn/ngày. Nhà máy Nha Quảng Ngãi đang tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy hình thành vùng nguyên liệu mì để đáp ứng hoạt động sản xuất chế biến tinh bột mì - nguyên liệu chính của sản phẩm mạch nha Quảng Ngãi - đường mantoza.
Trong nhiều năm gần đây, nhờ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế số và nâng cao vị thế thương hiệu sản phẩm địa phương. Việc thực hiện cấp mã số truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì nhãn mác, cùng với chứng nhận OCOP, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất.
Thời gian tới, tỉnh chú trọng xây dựng hệ thống phân phối và quảng bá sản phẩm, kết hợp với đổi mới phương thức truyền thông và tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, để phát huy tối đa tiềm năng các sản phẩm OCOP./.