Quảng Ngãi: Xây dựng hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(BKTO) - Trong thời gian qua, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

screenshot-2025-01-03-130945.png
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng 6 phòng học mới. Ảnh: ST

Trong giai đoạn 2022 - 2024, huyện Sơn Hà đã bố trí nguồn kinh phí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 để xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tổ chức các cuộc hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân.

Thực hiện Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS, năm 2024, huyện đã phân khai trên 66 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 41 công trình cơ sở hạ tầng, tập trung vào các công trình giao thông, giáo dục, thiết chế văn hóa. Trong đó, lĩnh vực giao thông có 22 công trình được thi công kết nối với các thôn, xã trên địa bàn, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân địa phương, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong năm 2024, từ nguồn vốn được phân bổ, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà đã đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng bê tông tuyến đường giao thông xóm Mang Ka La, thôn Mang Nà và đường giao thông nông thôn Mang Nà - Nước Bao (nối tiếp), với tổng chiều dài tuyến khoảng 800m. Ngoài ra, xã còn đầu tư 552 triệu đồng để xây dựng 1 phòng học tại điểm trường Tiểu học &Trung học cơ sở Pa Rang, tạo điều kiện cho học sinh ở thôn Làng Mùng có điều kiện học tập tốt hơn.

Trước đây, điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà không đảm bảo về phòng học nên học sinh phải học ở nhiều điểm trường lẻ tại các thôn. Năm 2023, Trường được quan tâm đầu tư xây mới 6 phòng học và nâng cấp, sửa chữa lại 6 phòng học, nhà công vụ, công trình phụ. Nhờ đó, năm học 2024 - 2025, toàn bộ học sinh của Trường được học tập trung tại điểm trường chính. Hiện nay, Trường có 380 học sinh, trong đó có 224 em học bán trú.

Cùng với ưu tiên nguồn lực đầu tư lĩnh vực giao thông, giáo dục, huyện tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng công trình nước sạch. Hiện nay, huyện có gần 83% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, huyện đã tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn khác để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở cho 438 hộ, 69 hộ chuyển đổi nghề, 1.501 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ hơn 2.000 hộ dân.

Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định của Nhà nước. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của huyện giảm từ 4 - 4,5%. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững trong những năm qua./.

Cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Xây dựng hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số