Quảng Ninh đẩy mạnh các biện pháp phục hồi nông, lâm, thủy sản sau bão số 3

(BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Quảng Ninh tiếp tục giải quyết khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đặc biệt triển khai Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về phục hồi sản xuất, sửa chữa nhà cửa, đường giao thông, ổn định đời sống cho người dân; đẩy mạnh các biện pháp phục hồi nông, lâm, thủy sản, trong đó quan tâm tái cơ cấu phù hợp.

1(4).jpeg
Quảng Ninh cần đẩy mạnh các biện pháp phục hồi nông, lâm, thủy sản, trong đó quan tâm tái cơ cấu phù hợp. Ảnh: ST

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 488/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế trong phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh với tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường đã chủ động phòng, chống cơn bão số 3, kịp thời triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường và khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh đã triển khai nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về khắc phục hậu quả cơn bão số 3, hỗ trợ khẩn cấp cho người dân và tái thiết kinh tế.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sau cơn bão số 3 nhưng kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của Tỉnh vẫn có những điểm sáng. Tốc độ tăng trưởng GRDP 8,02%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,1%, khách du lịch ước tăng 20%, tổng thu du lịch tăng 39%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 20,45%; xây dựng tăng 9,96%, xuất khẩu tăng 13,8%.

Quảng Ninh hoàn thành sớm nhiều chỉ tiêu, mục tiêu của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đạt và vượt 25/29 chỉ tiêu cụ thể thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; làm tốt công tác an sinh xã hội, ban hành, triển khai chính sách an sinh xã hội riêng (đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật...); tổng chi an sinh xã hội 9 tháng ước đạt 1.435 tỷ đồng, tăng 38,4% cùng kỳ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 32,2% thấp hơn so với bình quân của cả nước (46,3%); thu ngân sách nhà nước đạt 75% dự toán, trong đó có 6/16 khoản thu ngân sách nội địa đạt thấp (dưới 75%); thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hậu quả thiệt hại do bão số 3 gây ra là rất lớn (khoảng hơn 25 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 30% tổng thiệt hại cả nước), ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh cần bám sát, triển khai hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Trung ương. Phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế trong phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tiếp tục giải quyết khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đặc biệt triển khai Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về phục hồi sản xuất, sửa chữa nhà cửa, đường giao thông, ổn định đời sống cho người dân; đẩy mạnh các biện pháp phục hồi nông, lâm, thủy sản, trong đó quan tâm tái cơ cấu phù hợp.

Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, xúc tiến phát triển du lịch

Tỉnh cần phát huy vai trò các ngành, lĩnh vực chủ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch đề ra. Hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm nhằm nâng cao năng lực kết nối và cải thiện môi trường đầu tư.

Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, xúc tiến phát triển du lịch. Thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế trọng yếu, còn dư địa phát triển lớn; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), nâng cao hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương.

Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và tăng cường ứng dụng công nghệ số. Phát triển nhà ở xã hội theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chủ trương lớn của Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của Tỉnh. Chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển rừng và đa dạng sinh học (giữ vững và nâng cao độ che phủ rừng); phát triển bền vững hài hòa theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.../.

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ nhà ở
    24 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Tỉnh Quảng Ninh hiện đang tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ, đưa cuộc sống của nhân dân trở lại ổn định sau cơn bão số 3 (Yagi). Một trong nhiệm vụ quan trọng của tỉnh là hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn trên địa bàn.
  • Cao Bằng: Đầu tư vùng trồng dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao
    24 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030.
  • Bắc Kạn triển khai một số dự án đầu tư công
    24 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Nhằm triển khai thực hiện một số dự án đầu tư công và dự án ngoài ngân sách trên địa bàn TP. Bắc Kạn, mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cùng Đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra thực địa, thăm nắm tình hình tiến độ một số dự án trên địa bàn thành phố.
  • Hải Phòng đẩy mạnh đơn giản hóa giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính
    24 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Theo Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hải Phòng, thời gian qua, một số quy định, thủ tục hành chính (TTHC) của Hải Phòng còn chồng chéo, phức tạp, qua nhiều khâu trung gian, nhiều TTHC nội bộ quy định chưa rõ ràng, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính, một số dịch vụ công trực tuyến chưa thuận lợi...
  • Thái Bình đảm bảo ổn định bộ máy tổ chức tại các đơn vị hành chính mới
    24 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Vừa qua, tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết số 1201/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023-2025.
Quảng Ninh đẩy mạnh các biện pháp phục hồi nông, lâm, thủy sản sau bão số 3