Hà Tĩnh: Sắp xếp mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội

(BKTO) - Giai đoạn 2015-2023, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện tinh giản biên chế 4.260 người, giảm 14,3%.

Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.

120320240318-0312ht-1-.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: baohatinh.vn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, công tác sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm chất lượng, xác định được nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện.

Sau sắp xếp, các tổ chức bộ máy đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cơ bản đã khắc phục được tình trạng chồng chéo, bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Đến nay, Hà Tĩnh có 784 ĐVSNCL, trong đó 10 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh, 101 đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành và 673 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện; giảm 143 đơn vị so với năm 2015, giảm 133 đơn vị so với năm 2017, giảm 3 đơn vị so với năm 2021.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, cơ cấu hợp lý, tinh gọn bộ máy, giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lặp và bảo đảm quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả giai đoạn 2015-2023, Hà Tĩnh đã thực hiện tinh giản biên chế 4.260 người, giảm 14,3%.

Việc sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp và lao động hợp đồng của tỉnh thực hiện đảm bảo theo quy định. Tỉnh cũng triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt các chính sách tinh giản biên chế theo đúng quy định của Chính phủ. Tinh giản 10% biên chế viên chức cơ bản đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế cụ thể từng cơ quan, đơn vị, hạn chế hiện tượng cào bằng, giảm cơ học.

Về chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong ĐVSNCL tính đến hết ngày 31/12/2023, tỉnh đã cử 134 viên chức tham gia đào tạo đại học, sau đại học và hỗ trợ sau thu hút, tuyển dụng cho 7 viên chức với số tiền là 264 triệu đồng.

Quá trình thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ viên chức, tinh giản biên chế được thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch, thận trọng, trên nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau”, “làm thí điểm trước, nhân rộng sau”.

Hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương được nâng lên, từng bước thực hiện tự chủ về tài chính, phù hợp với tình hình thực tiễn, phát huy được vai trò chủ đạo, cung cấp dịch vụ công cho Nhân dân ngày càng chất lượng hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: việc tinh giản biên chế chủ yếu thực hiện trên cơ sở giảm số biên chế viên chức chưa sử dụng so với kế hoạch giao; chưa chú trọng các giải pháp tái cơ cấu để nâng cao chất lượng bộ máy và đội ngũ cán bộ, viên chức; số ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên chưa nhiều; vẫn còn tình trạng thừa cấp phó theo quy định; còn tình trạng viên chức bỏ việc, xin thôi việc chuyển công tác...

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát và lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn tới các tồn tại, hạn chế, nêu ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Đình Gia đề nghị Đoàn giám sát phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, ghi nhận vướng mắc, bất cập chưa đầy đủ, chưa cụ thể trong việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL và các chính sách, các luật, văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành xem xét, giải quyết.

Cùng chuyên mục
Hà Tĩnh: Sắp xếp mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội