
Có tiềm năng, lợi thế phát triển nhiều ngành, lĩnh vực chủ chốt
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, về tiềm năng, lợi thế, Quảng Trị có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, là cửa ngõ quan trọng của Hành lang Kinh tế Đông-Tây, phát triển quan hệ với Lào.
Tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển vượt trội trên cả ba vùng (miền núi, đồng bằng, ven biển); hội tụ năng lực giao thông thuận lợi với nhiều loại hình (đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, hàng không).
Tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển nhiều ngành, lĩnh vực chủ chốt như thương mại, dịch vụ, kinh tế biển, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, cây công nghiệp...
Di sản thiên nhiên, văn hóa phong phú, đặc sắc (giao thoa, hội tụ văn hóa Việt-Chăm, văn hóa Đàng Trong-Đàng Ngoài, văn hóa Thăng Long-Phú Xuân, văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh…); hệ thống di tích lịch sử, lễ hội, văn hóa đa dạng; có hệ động thực vật và hang động mang tầm vóc thế giới, với di sản thiên nhiên thế giới-vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Người dân Quảng Trị có nhiều phẩm chất đáng quý "yêu nước, kiên cường, bản lĩnh, cần cù, hiếu học" - là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển quê hương, đất nước; nơi sản sinh nhiều danh nhân, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước (Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…).
Về tình hình kinh tế-xã hội, các báo cáo, ý kiến cho rằng trong điều kiện phải tập trung triển khai công việc sáp nhập và sắp xếp các đơn vị hành chính, tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm.
GRDP tăng 7,48%, thu ngân sách tăng 17,6% so với cùng kỳ. Đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh như năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng giao thông... có dấu hiệu tích cực.
Tỉnh tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là các công trình, dự án trọng điểm có tính kết nối, tác động lan tỏa (nhiệt điện, giao thông...) như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình; Dự án nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1 (cầu Gianh, cầu Quán Hàu và hầm Đèo Ngang)...; đẩy nhanh các chương trình phát triển đô thị, nhà ở… Kết cấu hạ tầng trên địa bàn được hoàn thiện thêm một bước; hình thành rõ nét hơn các ngành công nghiệp, năng lượng, thương mại, dịch vụ, du lịch...
Đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 143 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn gần 84 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện gần 27,3 nghìn tỷ đồng (tăng 12,4% so với cùng kỳ)…
Trong hai ngày 26-27/7, tại Quảng Trị, theo phân công của Bộ Chính trị trong chương trình các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9; dâng hương tại khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công trên địa bàn.
Thủ tướng cũng đi kiểm tra 3 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn với tổng vốn đầu tư trên 30 nghìn tỷ đồng gồm: Dự án Đường cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ, Dự án Cảng hàng không Quảng Trị, Dự án Cảng nước sâu Mỹ Thủy.

10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà tỉnh Quảng Trị đã đạt được trong thời gian qua, góp phần vào kết quả, thành tựu chung của cả nước.
Khẳng định Quảng Trị là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Thủ tướng nhấn mạnh Quảng Trị có 74.041 Anh hùng liệt sĩ đã nằm lại, là nơi đau thương, mất mát lớn nhưng cũng rất vinh dự, tự hào. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khác biệt không nơi nào có được, phải từ đau thương, mất mát để đứng dậy, vươn lên mạnh mẽ hơn, vượt qua giới hạn của chính mình.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu vừa giữ ổn định chính trị-xã hội, vừa thúc đẩy phát triển, vừa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cùng cả nước đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8,3-8,5% trong năm 2025.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng trước hết yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự trong thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm vận hành thông suốt, trơn tru, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất.
Thứ hai, quyết liệt, chủ động, tích cực thực hiện 4 nghị quyết "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; về xây dựng và thực thi pháp luật; về phát triển kinh tế tư nhân; về hội nhập quốc tế.
Thứ ba, rà soát, quyết liệt triển khai các chỉ đạo theo Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại tỉnh Quảng Trị.
Thứ tư, chuẩn bị, tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, thành công cả về đường lối, nhân sự và bảo đảm an ninh, an toàn; xây dựng Đảng, hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch, quy hoạch để phát triển, huy động nguồn lực; chủ động rà soát quy hoạch phát triển của tỉnh Quảng Trị mới theo hướng tích hợp, liên kết vùng và phát huy lợi thế của hai tỉnh trước đây, bảo đảm sự phát triển hài hòa, nhịp nhàng, khả thi.

Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa, dựa trên công nghiệp, dịch vụ, đột phá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy mạnh mẽ các khu kinh tế, cửa khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; nông nghiệp sạch, sinh thái; dịch vụ, du lịch chất lượng cao gắn với lịch sử, văn hóa đặc trưng, đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh.
Thứ bảy, chú trọng, đầu tư phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là cho các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm mức sống của người có công và gia đình từ trung bình khá trở lên; chú trọng phát triển nhà ở xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Thứ tám, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược (giao thông, năng lượng, đô thị, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, thể thao...), đẩy mạnh hợp tác công-tư; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình, dự án lớn, góp phần tăng cường liên kết vùng và quốc tế, tham gia sâu các chuỗi cung, chuỗi giá trị.
Thứ chín, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu để bảo vệ các di tích, cảnh quan; bảo toàn các thành quả phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao môi trường sống.
Thứ mười, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn, nâng cao năng lực cho doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn.../.