Quốc hội biểu quyết thông qua 5 dự án luật

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, chiều nay (19/11), Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua 5 Dự án Luật.



                
   

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật- Ảnh: quochoi.vn

   
Theo đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, với 408/456 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 84,12% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thành Bình đã trình bày báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số điểm mà đại biểu còn có ý kiến khác nhau.

Về hình thức và trình độ đào tạo giáo dục đại học, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định các hình thức đào tạo gồm chính quy tập trung và không tập trung; giao cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định hình thức đào tạo; làm rõ nguyên tắc liên thông giữa các hình thức đào tạo; phân biệt văn bằng các trình độ đào tạo tương ứng với hình thức đào tạo; bổ sung trình độ tương đương hoặc trình độ, văn bằng chuyên gia ở một số lĩnh vực đào tạo chuyên sâu đặc thù.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy loại hình đào tạo chính quy được quy định trong dự thảo Luật chính là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là loại hình không tập trung. Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của giáo dục đại học. Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, Dự thảo Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau.

Liên quan đến đào tạo trong lĩnh vực chuyên sâu đặc thù, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể về trình độ, văn bằng chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.

Về vấn đề tự chủ đại học, báo cáo giải trình nêu rõ, Dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ. Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học, do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung- cầu nhân lực.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ nội hàm của các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức- nhân sự và tài chính- tài sản. Theo đó, hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn (như về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học…) đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo.

Dự thảo Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật cũng quy định rõ về trách nhiệm giải trình, bao gồm cả nội dung, hình thức và đối tượng của hoạt động giải trình; quy định một số chế tài cụ thể để xử lý đối tượng không thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi, bổ sung 37 Điều của Luật Giáo dục đại học. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Cũng trong phiên họp chiều nay, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Quốc hội biểu quyết thông qua 5 dự án luật