Báo Kiểm toán xin lược đăng ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) với những phân tích, góp ý sâu sắc, tâm huyết xung quanh quy định này.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân- Ảnh: Internet |
“…Tôi thực sự ngạc nhiên với tranh luận của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại phiên thảo luận về các vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh những phát biểu đáng suy ngẫm về vai trò, nhiệm vụ, kết quả hoạt động của KTNN, một nội dung mà tôi rất quan tâm là KTNN bị Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này “đẩy ra ngoài” như cách nói của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Câu chuyện trên thực ra không có gì mới trong quá trình lập pháp, có thể vì yêu cầu hay vì một lý do khách quan nào đó. Suy cho cùng nếu trong khả năng và vì lợi ích, trách nhiệm của công việc, mang lại hiệu quả cho tổ chức và ngân sách có thể sẽ được ủng hộ. Tuy nhiên, nếu xét về nguyên tắc thì có lẽ chưa ổn và đặt trong bối cảnh tình trạng chuyển giá của DN FDI suốt thời gian dài và ngày càng trầm trọng, tình trạng thuế khoán chưa được siết chặt để chống thất thu cùng với những bất cập trong công tác cổ phần hóa và những hạn chế trong công tác quản lý thuế chưa được khắc phục sẽ thấy được đâu là trách nhiệm của cán bộ công chức nói riêng và của các ban, ngành nói chung đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong Khoản 1, Điều 21 của Dự thảo Luật (Dự thảo lần 5) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN là “Thực hiện kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về KTNN, quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế”. Không hiểu vì sao cũng tại khoản này ở Dự thảo Luật chính thức trình Kỳ họp quy định kiểm toán đối với nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đã bị đẩy ra ngoài, đúng như Tổng Kiểm toán Nhà nước phản ánh.
Thực hiện kiểm toán thu NSNN là kiểm tra nhiệm vụ thu của cơ quan thuế, kiểm tra nghĩa vụ của người nộp thuế để truy thu cho NSNN. Việc thu hẹp nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN như Dự thảo Luật là chưa thận trọng, chưa toàn diện cả về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế mà công văn ngày 22/10/2018 của KTNN đã nêu rất rõ. Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu.
Điều cần nhìn nhận là trong thời gian qua, cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các DN nộp thuế, điều đó đồng nghĩa rằng khoảng 82% là “khoảng trắng” chưa được kiểm tra thực hiện. Lẽ ra với những tồn tại, hạn chế của công tác quản lý thuế hiện nay, điều cần phải làm là rà soát, bổ sung ngay thay vì hạn chế, thu hẹp những chủ thể đã được Nhà nước trao quyền, nhằm giúp Nhà nước làm thông suốt, trong sạch môi trường quản lý thuế. Với việc thu hẹp chủ thể như quy định của Dự thảo Luật, cơ quan thuế có dám hứa trước cử tri, trước Quốc hội sẽ khắc phục triệt để tình trạng trốn thuế, chuyển giá vốn gây nhức nhối trong xã hội mà thời gian dài chưa khắc phục được hay không.
Trong khi đó, KTNN với trách nhiệm của mình đã kiến nghị tăng thu đáng kể cho NSNN. Chống thất thu ngân sách luôn là ý chí cương quyết của Đảng và Nhà nước và là một trong những đòi hỏi bức thiết của nhân dân thì Dự thảo Luật quy định như trên có phải tự mang cho mình một gánh nặng. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên quy định như Dự thảo Luật gửi xin ý kiến các cơ quan, Bộ, ngành trước đó.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật lần 5 tại Khoản 2, Điều 22 có quy định “Trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế”. Trong công văn của KTNN, KTNN đã đề nghị bỏ quy định này vì không phù hợp với quy định của Hiến pháp về KTNN và Luật KTNN. Trên Dự thảo Luật lần 6 tại điều khoản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN tôi không còn thấy quy định này nữa và nghĩ Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của KTNN. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 21 Dự thảo Luật quy định: “Đối với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định tại Điều 110, Điều 113, khoản 3 Điều 119 của Luật này”.
Sau khi xem lại Khoản 3 Điều 119 so với Dự thảo tôi mới vỡ lẽ nó chỉ đơn giản là di dời từ Khoản 2 Điều 21 sang đây mà thôi. Dự thảo Luật vẫn cương quyết giữ quan điểm trường hợp quyết định của cơ quan thuế về việc thực hiện nhiệm vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan Thanh tra Nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế; đồng thời, cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự thảo quy định như trên có phải đã không xem xét đến tính đúng đắn, tính đủ vai trò của KTNN trong hệ thống chính trị vốn đã được Hiến định? Hơn nữa, trong quy định như Dự thảo Luật có phải nhằm thể hiện sự khác biệt ý chí của các chủ thể thực thi pháp luật trong cùng một vấn đề. Hay nói khác đi là sẽ tiếp tục tái diễn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi có sự khác biệt giữa quyết định xử lý của cơ quan thuế và kiến nghị của KTNN trong khi pháp luật phải là một hệ thống thống nhất, toàn vẹn.
Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu, thể hiện ý chí, nguyện vọng và niềm tin của cử tri. Báo cáo kiểm toán sau khi phát hành và công khai có tính bắt buộc thực hiện như quy định tại Luật KTNN thì quy định như Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có phải nhằm cho rằng báo cáo kiểm toán của KTNN không có giá trị thực hiện và trái với quy định nêu trên? Có phải chưa đặt đúng vai trò, vị trí, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN? Liệu có câu trả lời nào thỏa đáng cho vấn đề này?
Công tác quản lý thuế thời gian qua vẫn theo phương pháp thủ công là chủ yếu, hầu hết các giao dịch thương mại đang sử dụng hóa đơn giấy đã cản trở ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Thiết nghĩ bài toán kinh doanh qua mạng vốn đã nan giải trong thời gian qua thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thuế phải tư duy, phải làm là lấp “khoảng trống” thu thuế kinh doanh qua mạng mà các chế định liên quan giao dịch điện tử trong quản lý thuế, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, áp dụng hóa đơn điện tử để khắc phục việc trốn thuế, chống chuyển giá. Ngành thuế hãy làm tốt và làm tốt hơn nữa công tác này thay vì hạn chế hay thu hẹp quyền của các chủ thể khác như KTNN. Họ sẽ cùng với ngành thuế quản lý tốt hơn để chống thất thu ngân sách…”
N. HỒNG (Lược ghi)