Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) trong đó quy định cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. (Ảnh: quochoi.vn) |
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) trong đó quy định cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. (Ảnh: quochoi.vn)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 17/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó quy định cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vu Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6”. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, các đại biểu đã nhất trí với quy định như Điều 6 với tỷ lệ 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần phải quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn những hình thức đầu tư thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế để đầu tư vào các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trước ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia cần hài hòa với nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội tại các khu vực đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường, quy định pháp luật về đất đai... Các quy định chi tiết sẽ giao Chính phủ ban hành.
Về chuyển nhượng dự án đầu tư, có ý kiến đề nghị rà soát kỹ tránh lợi ích nhóm bán dự án để hưởng chênh lệch giá. Có ý kiến cũng đề nghị không chuyển nhượng dự án chưa thực hiện xong các thủ tục đất đai, xây dựng cơ bản... Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, Luật quy định nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng dự án đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng, không phụ thuộc dự án đã hoàn thành hay chưa hoàn thành.
Để đảm bảo trách nhiệm của nhà đầu tư trong thực hiện dự án, tránh dự án treo, Luật sửa đổi quy định các biện pháp, như: Yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, giới hạn việc điều chỉnh tiến độ của dự án không quá 24 tháng, dự án bị chấm dứt hoạt động nếu nhà đầu tư không triển khai theo tiến độ.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/ 2021.
Theo dangcongsan.vn