95,58% đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

(BKTO) – Sáng 16/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với 95,58% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.



                
   

Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Đ. KHOA

   

Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, về 02 vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng NSNN cho tổ chức chủ trì; cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả như đã thể hiện trong dự thảo Luật;

Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng tán thành không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chính phủ đã có văn bản thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý về các vấn đề này.

Về tác giả, đồng tác giả; quyền nhân thân, có ý kiến đề nghị Điều 12a cần quy định một số tiêu chí định lượng xác định “đồng tác giả”, như tỷ lệ thời gian người đó đóng góp tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 1 Điều 12a của dự thảo Luật đã quy định nhiều tiêu chí để xác định đồng tác giả, gồm tiêu chí về số lượng (từ 2 người trở lên), về tính chất (cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm), sự thống nhất ý chí (cùng chủ ý tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh tác phẩm); khoản 2 và khoản 3 Điều 12a đã quy định về trường hợp không phải là đồng tác giả và cơ chế thực hiện quyền nhân thân, quyền tài sản đối với các đồng tác giả để bảo đảm chặt chẽ, thuận lợi trong quá trình thực thi quyền tác giả. Thực tiễn thi hành pháp luật cũng như tham khảo pháp luật các nước cho thấy, không có cơ sở để quy định tỷ lệ thời gian đóng góp để xác định đồng tác giả. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật.

Về chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ; từ chối cấp văn bằng bảo hộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị chỉnh lý điểm h khoản 1 Điều 95 theo hướng bổ sung cụm từ “đặc biệt là” vào trước cụm từ “về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc chỉ dẫn địa lý” để thống nhất với quy định của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định tại điểm h khoản 1 Điều 95 chỉ yêu cầu chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu đối với 3 trường hợp là gây nhầm lẫn về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, bởi vì các trường hợp gây nhầm lẫn khác về nhãn hiệu đã được điều chỉnh bởi các quy định tại các điều, khoản khác trong Luật Sở hữu trí tuệ như về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, hành vi cạnh tranh không lành mạnh... Vì vậy, quy định như dự thảo Luật đã bảo đảm nội luật hóa đầy đủ Hiệp định EVFTA.

Liên quan đến trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với DN cung cấp dịch vụ trung gian, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b là bồi thường thiệt hại bằng tiền và chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định tại Điều 198b của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa quy định tại Điều 12.55 của Hiệp định EVFTA. Điều này không giới hạn phạm vi miễn trừ trách nhiệm pháp lý của DN cung cấp dịch vụ trung gian về bồi thường thiệt hại bằng tiền và chi trả án phí, lệ phí. Quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại bằng tiền chỉ được quy định tại Điều 18.82 của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng nội dung này đang tạm đình chỉ thực hiện. Vì vậy, để thuận lợi trong quá trình thực thi điều ước quốc tế, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, sẽ chỉnh lý khoản 6 Điều 198b theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, bao gồm cả phạm vi miễn trừ, như thể hiện trong dự thảo Luật.
         
Trước đó, với 93,78% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội cũng đã thông Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022 và được thực hiện trong 05 năm.

Đ. KHOA





Cùng chuyên mục
  • Hơn 84.000 tỷ đồng đầu tư ba tuyến đường cao tốc trọng điểm
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Sáng 16/6, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
  • Tỉnh Khánh Hòa được áp dụng cơ chế đặc thù từ 01/8/2022
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) –Tại phiên họp sáng 16/6, với 95,78% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
  • Từ đầu năm 2023, dừng trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng 16/6, với 94,18% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
  • Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hai dự án vành đai
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 16/6, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết về về chủ trương đầu Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
  • Bảo đảm tính khả thi của các cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Sáng 15/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và khắc phục những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật về dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; đặc biệt là việc hình thành cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.
95,58% đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ