Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khi trả lời báo chí trước chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng IPU-150, thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Uzbekistan, từ ngày 02 - 08/4.

Chuyến công tác có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt
Thông tin về chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, đây là chuyến công tác có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trên cả bình diện đa phương và song phương.
Trước hết, việc Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-150 là minh chứng sống động cho thấy Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, coi trọng vai trò của IPU, cũng như tiếp tục khẳng định Quốc hội Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của IPU.
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế theo tinh thần Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25-CT/ TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-150 với vị thế của một đất nước đầy khí thế bước vào kỷ nguyên mới, với nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật, trong đó người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu, động lực của mọi chính sách phát triển. Với nội lực và khí thế đó, tại diễn đàn IPU-150, Quốc hội Việt Nam sẽ cùng nghị viện các nước trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương trên các lĩnh vực cùng quan tâm, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.
Trên bình diện song phương, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Uzbekistan của Chủ tịch Quốc hội là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam tới hai nước, cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Việt Nam đến hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Chuyến thăm vì thế mang ý nghĩa chính trị sâu rộng, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống với Uzbekistan, Armenia và mong muốn cùng hai nước củng cố tin cậy chính trị, tạo nền tảng để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đưa quan hệ với mỗi nước lên tầm cao mới.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư – một trụ cột quan trọng trong hợp tác song phương. Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội sẽ có các cuộc gặp với các doanh nghiệp lớn hai nước, tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước kết nối, giới thiệu về thị trường và tiềm năng đầu tư, qua đó đặt nền móng cho việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, dệt may, năng lượng, giao thông - vận tải, khoa học - công nghệ...
Bên cạnh trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư, chuyến thăm cũng là dịp để Việt Nam và các nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân, những lĩnh vực Việt Nam và hai nước đã có truyền thống hợp tác tốt đẹp trong nhiều thập kỷ.
Qua chuyến thăm, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức hữu nghị của Việt Nam và hai nước sẽ thiết lập quan hệ trực tiếp, xúc tiến hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy tình hữu nghị và hợp tác lâu dài.
Nhiều dư địa tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với Armenia và Uzbekistan
Thông tin về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Armenia, Uzbekistan, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết, những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và hai nước ngày càng phát triển chặt chẽ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực.
Thứ nhất, tin cậy chính trị không ngừng được củng cố. Việt Nam và Armenia, Uzbekistan thường xuyên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc các cấp, gồm cả cấp cao. Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và hai nước duy trì sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau, chia sẻ cách tiếp cận tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Armenia và Việt Nam - Uzbekistan đều có những bước tăng trưởng tích cực. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 của Việt Nam với Armenia đạt gần 500 triệu USD, tăng hơn 40% so với năm 2023; với Uzbekistan đạt 202 triệu USD, tăng 26,5% so với năm 2023.
Việt Nam có một số dự án đầu tư sang Uzbekistan; Armenia có một số dự án đầu tư tại Việt Nam. Tuy quy mô đầu tư chưa lớn, chưa tương xứng với thế mạnh và mong muốn của Việt Nam với hai nước nhưng đây cũng là một nội dung sẽ được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Lãnh đạo hai nước thảo luận để thống nhất các biện pháp khai phá, thúc đẩy hơn nữa phạm vi, quy mô hợp tác trong thời gian tới.
Đồng thời, hiện Việt Nam đã thành lập cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật với từng nước để điều phối, thúc đẩy xuất nhập khẩu, đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông - vận tải, khoa học - công nghệ và nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu mà Armenia là thành viên vào năm 2015. Cả Armenia, Uzbekistan và Việt Nam đang tích cực thúc đẩy kết nối giao thông để thúc đẩy trao đổi hàng hóa và du lịch cũng như các lĩnh vực hợp tác khác.
Thứ ba, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân được lãnh đạo các bên quan tâm thúc đẩy, coi đây là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng, đóng vai trò duy trì truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam với hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Về triển vọng hợp tác trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam với Armenia và Uzbekistan còn nhiều dư địa, tiềm năng để tăng cường hợp tác và cùng nhau phát triển.
Theo đó, để thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân, hai nước cần tăng cường kết nối giao thông, gồm cả đường sắt, đường bộ, đường biển và hàng không. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với Armenia và Uzbekistan cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau, vì vậy Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giầy, điện tử… sang Armenia và Uzbekistan, qua Armenia và Uzbekistan để tới các nước khác qua các hành lang vận tải Đông - Tây và Bắc - Nam.
Hai bên cũng có thế mạnh để tăng cường hợp tác về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực triển vọng khác như công nghệ số, năng lượng sạch, vật liệu mới.../.