Quỹ Bảo hiểm y tế - nguồn lực trụ cột trong phòng, chống HIV/AIDS

(BKTO) - Cùng với sự hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế, những năm gần đây, tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã tăng lên tới hơn 51%, trong đó, tổng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đến nay chiếm tới 25% nguồn lực trong nước.

hiv_20181226051226pm.jpg
Bệnh nhân HIV điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh minh họa: baohiemxahoi.gov.vn

Ngày 15/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020. Đề án đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp bảo đảm tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS một cách căn bản và chiến lược, với nhiều nhóm giải pháp từ huy động các nguồn tài chính tới quản lý và sử dụng chương trình hướng tới hiệu quả.

Thực hiện Quyết định này, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả, trong đó hướng dẫn, đôn đốc và hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai và xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính cho cả giai đoạn.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trải qua gần 10 năm nỗ lực không ngừng với cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền các cấp từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng các cơ chế chính sách; sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính quý báu của cộng đồng các nhà tài trợ, Việt Nam đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác HIV/AIDS với những kết quả hết sức ấn tượng.

Cụ thể, tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước đã tăng lên tới hơn 51%, trong đó tỷ trọng ngân sách địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS không ngừng tăng lên qua các năm tăng từ 8% lên tới 17%.

Đặc biệt, Quỹ BHYT là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Từ việc được Quỹ BHYT bảo đảm kinh phí khám bệnh, xét nghiệm, điều trị nhiễm trùng cơ hội tại các cơ sở điều trị HIV đủ điều kiện, từ đầu năm 2019, người nhiễm HIV bắt đầu được chi trả chi phí thuốc kháng HIV (ARV). Đến nay, bình quân mỗi năm, Quỹ BHYT đã chi trả khoảng 400 tỷ đồng, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV, đáp ứng tới 70% tổng nhu cầu thuốc ARV thiết yếu tại Việt Nam.

“Tổng Quỹ BHYT chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đến nay chiếm tới 25% nguồn lực trong nước” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin.

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, ông Marc Knapper - Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, chương trình PEPFAR của Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại hơn 30 quốc gia và Việt Nam nổi bật trên toàn cầu như một tấm gương về tính bền vững và huy động nguồn lực trong nước. Việt Nam nắm quyền chủ động tài chính cho các dịch vụ điều trị HIV thông qua BHYT.

Từ năm 2019 đến năm 2022, Quỹ BHYT của Việt Nam đã đóng góp khoảng 10 triệu đô la Mỹ hàng năm cho các chương trình chăm sóc và điều trị HIV, đáp ứng tới 70% tổng nhu cầu thuốc ARV thiết yếu tại Việt Nam. “Đây là một thành tích đáng ghi nhận, nhất là khi so sánh các nguồn lực trong nước chiếm chưa đến 10% kinh phí cho thuốc ARV trước năm 2019. Việc đưa các dịch vụ điều trị HIV vào nền tảng BHYT xã hội là một ví dụ điển hình cho thấy tiến bộ của Việt Nam trên hành trình hướng tới duy trì bền vững ứng phó quốc gia với HIV” - ông Marc Knapper nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức về bảo đảm nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình. Nguồn lực huy động dự kiến thời giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu. Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện Quỹ BHYT không chi trả.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương cần khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, các Vụ, Cục liên quan cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT được liên tục và ổn định, bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT./.

Cùng chuyên mục
  • Thực hiện hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do Covid-19
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
  • Thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1478/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
  • Việt Nam - Lào thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực
    một năm trước Xã hội
    Việt Nam - Lào cam kết cùng hợp tác phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng nghề, thúc đẩy liên kết đào tạo nghề, bồi dưỡng tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ công tác trong lĩnh vực lao động, phúc lợi xã hội và giáo dục nghề nghiệp.
  • Khai thác hiệu quả thị trường nội địa để thúc đẩy sự phục hồi du lịch
    một năm trước Xã hội
    Trong bối cảnh thị trường du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, việc tập trung phát triển thị trường nội địa được coi là “cứu cánh” giúp các doanh nghiệp lữ hành, thị trường du lịch giảm bớt khó khăn. Từ việc xác định đúng vai trò của du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị cần khắc phục những tồn tại của thị trường này, nâng cao hơn nữa hiệu quả từ đó đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển, phục hồi chung của nền kinh tế.
  • Niềm vui tuổi già có lương hưu
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ở tuổi 61, ông Trần Hoàng Thành (phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) vui mừng vì nhờ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, ông đã được nhận lương hưu hàng tháng, đồng thời, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để khám, chữa bệnh khi tuổi già.
Quỹ Bảo hiểm y tế - nguồn lực trụ cột trong phòng, chống HIV/AIDS