Quy định cụ thể, chặt chẽ về Quỹ Phòng thủ dân sự

(BKTO) - Chiều 09/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Quan tâm đến quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ về tổ chức quản lý, sử dụng Quỹ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ chi...

ad72ff7658b99ee7c7a8.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu góp ý vào Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: VPQH

Theo Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Quỹ Phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động phòng thủ dân sự. Quỹ được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự.

Góp ý vào quy định này, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, quy định rõ về Quỹ phòng thủ dân sự để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ không trùng với các nội dung ngân sách nhà nước chi, không trùng với các quỹ khác và phải quy định cụ thể về tổ chức, quản lý Quỹ.

Đại biểu chỉ rõ, tại khoản 2 Điều 44 Dự thảo Luật quy định sử dụng Quỹ hỗ trợ các hoạt động phòng thủ dân sự và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động như cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, các nhu cầu cấp thiết khác; hỗ trợ tu sửa nhà, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học.

Theo đại biểu, quy định như vậy là trùng với nội dung chi hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu tất yếu đã được sử dụng trong Quỹ Dự trữ quốc gia; còn hỗ trợ tu sửa, làm nhà, cơ sở y tế, trường học… trùng với các nội dung chi của ngân sách nhà nước.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) thống nhất việc xây dựng Quỹ Phòng thủ dân sự, nhằm tạo tính chủ động, kịp thời trong việc ứng phó, khắc phục những hậu quả của chiến tranh, thảm họa, sự cố, dịch bệnh.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật quy định nguồn Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các nguồn quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến phòng thủ dân sự là chưa rõ ràng, chưa cụ thể. “Việc điều tiết đó được thực hiện như thế nào, trong khi điều Luật không giải thích, không quy định thêm nội dung nào khác; điều này chắc chắn khi thực hiện sẽ gặp khó khăn” - đại biểu băn khoăn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần thống nhất đầu mối trong vận động xây dựng nguồn Quỹ Phòng thủ dân sự cũng như công tác quản lý, tránh việc thu, vận động nguồn Quỹ chồng chéo, trùng lặp ở nhiều tổ chức, nhiều cơ quan, đơn vị với nhiều mức khác nhau, gây khó khăn cho người tham gia ủng hộ và thực hiện nguồn Quỹ.

Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết đối với Quỹ Phòng thủ dân sự và Quỹ Phòng, chống thiên tai. Trong đó, cần quy định rõ nguồn thu, thời gian thu, mức độ đóng góp của từng đối tượng; điều kiện, phạm vi, đối tượng chi để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong quá trình quản lý, sử dụng hai loại quỹ này.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cũng nhấn mạnh quan điểm, cần đảm bảo sau thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ không chồng chéo, trùng lặp. “Việc điều tiết từ các nguồn khác sang Quỹ Phòng thủ dân sự được thực hiện như thế nào, cho những lĩnh vực gì và ai là người có thẩm quyền để điều tiết, cần phải có quy định cụ thể; việc điều tiết cần đảm bảo công khai, minh bạch” - đại biểu kiến nghị.

8d58cb4c818547db1e94.jpg
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận. Ảnh: VPQH

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nêu rõ, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là cần thiết để hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, củng cố, sửa chữa các công trình hạ tầng của Nhà nước và của nhân dân, bảo đảm cấp thiết cho lương thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác do hậu quả của thảm họa, sự cố.

Dự thảo Luật quy định Quỹ Phòng thủ dân sự được thành lập ở Trung ương và ở địa phương cấp tỉnh, nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở hỗ trợ đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, điều tiết từ quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến thảm họa sự cố, bảo đảm Quỹ hoạt động không chồng chéo, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.

“Dự thảo Luật quy định điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến phòng thủ dân sự là phù hợp, bảo đảm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố” - Bộ trưởng khẳng định.

Trước đó, liên quan đến nội dung này, cơ quan thẩm tra Dự án Luật là Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí cần quy định thống nhất về việc quản lý, sử dụng các loại quỹ hiện có để phát huy hiệu quả, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cần đánh giá rõ hơn về hiệu quả hoạt động của các loại quỹ này trong thời gian vừa qua để thiết kế mô hình quản lý Quỹ Phòng thủ dân sự cho phù hợp, theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung về việc thành lập, sử dụng quỹ này và giao Chính phủ quy định việc thành lập, cơ chế quản lý, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống./.

Cùng chuyên mục
Quy định cụ thể, chặt chẽ về Quỹ Phòng thủ dân sự