Từ ngày 03/8 áp dụng quy định mới về cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Ảnh minh họa |
Điều 2 Thông tư 45 quy định: Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người nộp thuế thu nhập DN theo phương pháp kê khai, thực hiện giao dịch với các bên có quan hệ liên kết và có đề nghị của cơ quan thuế về việc áp dụng phương pháp xác định giá tính thuế.
Ngoài các bên có quan hệ giao dịch liên kết, Tổng cục Thuế và các cục thuế; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng APA trong quản lý thuế cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 45.
Các giao dịch được đề nghị áp dụng APA, gồm: giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác.
Giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Giao dịch được đề nghị áp dụng APA với các giao dịch trên đây phải đáp ứng đồng thời các điều kiện, như: Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA.
Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ các quy định của Luật Quản lý thuế.
Ngoài ra, giao dịch không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế; giao dịch được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế, hoặc lợi dụng hiệp định về thuế sẽ được áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế.
Về thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA, Tổng cục Thuế thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế nhằm kiểm tra, đối chiếu, xác định và đánh giá tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, dữ liệu do người nộp thuế cung cấp để đưa ra bản đánh giá về phương pháp xác định giá giao dịch liên kết.
Trong quá trình thẩm định, Tổng cục Thuế có thể yêu cầu người nộp thuế và tổ chức, cá nhân khác có liên quan giải trình, làm rõ các thông tin trong hồ sơ đề nghị áp dụng APA. Đồng thời, áp dụng các biện pháp quản lý thuế đối với người nộp thuế để xác minh tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, tài liệu do người nộp thuế cung cấp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03/8/2021./.
THÙY ANH