Hiện còn nhiều khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm để khai thông nợ xấu. Ảnh: Thời báo Tài chính
Phân tích nguyên nhân gây ra nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lý giải: về chủ quan, quy trình tín dụng của một số tổ chức chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để cán bộ ngân hàng và khách hàng lợi dụng. Ở một số tổ chức tín dụng (TCTD), năng lực quản trị rủi ro còn hạn chế. Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa tốt, tính tuân thủ các quy chế chưa cao. Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa, biến chất và lợi dụng chức vụ quyền hạn, câu kết với khách hàng để cố ý làm trái các quy định.
Cùng với đó, Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng chưa giải quyết được những yếu kém cơ bản của hệ thống các TCTD cũng như xử lý nợ xấu một cách triệt để. Năng lực tài chính của các TCTD còn hạn chế, kể cả các ngân hàng thương mại của Nhà nước…
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện lại không hề dễ dàng.
Trao đổi với báo chí vào cuối tháng 5/2017, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng: nợ xấu chưa được giải quyết triệt để do vướng một số điểm mấu chốt như: pháp luật chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD; các quy định về xử lý tài sản bảo đảm không bảo đảm quyền xử lý tài sản cho bên nhận bảo đảm; thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án thường kéo dài, trong khi pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết: gần đây, Vietcombank đã chuyển 790 vụ qua tòa án, ngoài ra còn 98 vụ đã gửi tòa thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử. Thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp thông qua tòa án phải mất tới 2 năm, có vụ ngân hàng đã phải theo đuổi tới 7 năm, có vụ 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên. Quá trình thi hành án cũng mất thêm 2-3 năm nữa, có trường hợp mất 4-5 năm. Trong thời gian đó, vốn của ngân hàng bị tồn đọng, tài sản bảo đảm xuống cấp và mức độ tổn thất của ngân hàng càng lớn hơn.
Ông Thành kiến nghị, pháp luật cần có quy định đảm bảo và tăng cường quyền chủ động cho bên nhận thế chấp để thực hiện quyền của chủ nợ và quyền thu giữ tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Là người nhiều lần xử lý các vụ việc liên quan đến nợ, trong đó có nợ cá nhân, nợ các TCTD, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay: người đi vay tìm đủ cách để vay được nhưng đến hạn thì tìm cách chây ỳ, không trả. Chủ nợ không đòi được đã tìm đến cơ quan công an tố cáo. Sau một thời gian kiểm tra, xác minh, cơ quan công an hướng dẫn chủ nợ quay trở về tòa án để giải quyết. Đây là mối quan hệ dân sự nên chủ nợ sang tòa án xếp hàng dài mà không biết đến lúc nào mới lấy được nợ.
Cân nhắc quy định về quyền xử lý tài sản bảo đảm
Để xử lý các vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, Khoản 1, Điều 7 Dự thảo Nghị quyết đã quy định: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu”.
Tuy nhiên, khi thảo luận ở hội trường, các đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng: Quốc hội cần cân nhắc thật kỹ vấn đề quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Đại biểu dẫn chứng, theo quy định của Hiến pháp thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Còn Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ quy định giao tài sản bảo đảm để xử lý mà không quy định thu giữ tài sản bảo đảm. Luật quy định như vậy đã khẳng định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý.
Do vậy, theo ông Hữu, quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong Dự thảo Nghị quyết mới chỉ thể hiện được việc bảo vệ quyền, lợi ích của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu mà không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân và đặc biệt là của người thứ ba có liên quan đến tài sản đang đảm bảo, không phù hợp và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Quy định này cần được nghiên cứu, xem xét đến yếu tố đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cho rằng: quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD chỉ đúng nếu hợp đồng được ký trước khi Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, bởi vì Điều 301 Bộ luật này quy định người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Như vậy, sẽ bất lợi cho TCTD nếu phải điều chỉnh ký phụ lục hợp đồng mà người đang giữ tài sản bảo đảm không đồng ý ký khoản này.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng bày tỏ băn khoăn về tính hợp hiến của quy định này. Theo đại biểu, khi tài sản bảo đảm bị các TCTD đơn phương thu giữ trong trường hợp người bảo đảm không đồng ý thì các TCTD đã xâm phạm vào quyền về chỗ ở, quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được Hiến định. Vì giao dịch giữa bên thế chấp với các TCTD là giao dịch dân sự, là hợp đồng tín dụng nên phải được giải quyết theo pháp luật về dân sự và kinh tế. Việc các TCTD đơn phương thu giữ tài sản bảo đảm về tính chất khác hoàn toàn với việc tịch thu phương tiện, tang vật trong xử lý vi phạm hành chính hay cưỡng chế thực hiện một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước hay việc thực thi quyết định bản án của tòa án nhân dân.
Trước sự quan ngại của các đại biểu về quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: Quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quyền đương nhiên và chính đáng mà TCTD có được theo thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa TCTD với khách hàng khi xác lập giao dịch cấp tín dụng và giao dịch bảo đảm. Các thỏa thuận về quyền thu giữ tài sản của các bên liên quan là phù hợp với Hiến pháp và quy định của pháp luật. Trường hợp các tổ chức, cá nhân tự nguyện đem tài sản của mình thế chấp, cầm cố để đảm bảo cho việc trả nợ chính là giao dịch dân sự, nó sẽ làm phát sinh nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hay nói cách khác là quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được đồng ý trên cơ sở tự nguyện của các bên.
Đối với tài sản bảo đảm là nhà ở, quyền thu giữ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã ghi tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên. Do đó về nguyên tắc, khi chủ nhà giao kết hợp đồng giao dịch bảo đảm thì cũng có nghĩa là đã nhất trí cho việc thu giữ này.
“Trong Dự thảo chúng tôi đã đề ra giải pháp định hướng rất rõ, một mặt xử lý nợ xấu nhưng mặt khác ngăn ngừa nợ xấu phát sinh. Chúng tôi định hướng khi điều hành chính sách tiền tệ phải kiểm soát được ổn định vĩ mô, tạo điều kiện tăng cường năng lực thanh tra, giám sát cũng như yêu cầu các TCTD phải tăng cường năng lực quản trị, điều hành để hạn chế phát sinh nợ xấu” - Thống đốc cho biết.
Tính đến 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các TCTD là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng số nợ xấu mà Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ. Hiện nay, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được là trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ cho vay. Nếu tính toàn bộ những khoản nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu là khoảng 10,08%.
Trong số nợ xấu nội bảng nói trên, nợ do các DN ngoài quốc doanh chiếm gần 64%, nợ của các DNNN chiếm khoảng 6,3%, nợ của hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 21%, nợ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8% tổng dư nợ.
THU HƯỜNG