Quy định rõ cơ chế hoạt động, đối tượng thụ hưởng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích

(BKTO) - Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định rõ cơ chế hoạt động, chế độ tài chính tại Dự thảo Luật; bổ sung quy định rõ đối tượng được hỗ trợ để không bị trùng lặp…

untitled-527x336-1648007312024492546597.jpg
Cần thiết duy trì Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông. Ảnh: chinhphu.vn

Quy định rõ danh mục dịch vụ viễn thông công ích

Tại Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), diễn ra mới đây, bà Đinh Thị Nương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trên cơ sở Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung vào Điều 30, 31, 32 của Dự thảo Luật để hoàn thiện quy định về hoạt động viễn thông công ích, quản lý hoạt động viễn thông công ích và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị quy định rõ các danh mục dịch vụ viễn thông công ích do Nhà nước cung cấp cho người dân và những dịch vụ viễn thông công ích mà người dân được thụ hưởng để làm căn cứ xác định phương thức, quy trình hỗ trợ.

Tại Điều 32 về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, nghiên cứu quy định rõ cơ chế hoạt động, chế độ tài chính tại Dự thảo Luật.

Bà Đinh Thị Nương chỉ rõ, hiện nay, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, hiện Dự thảo Luật đang quy định Quỹ này là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách...

Như vậy “Quỹ không có chức năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước nên chưa đảm bảo điều kiện và sự đồng bộ với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập” - bà Nương cho biết.

Tránh trùng lặp về nội dung, đối tượng

Liên quan đến quy định về mục đích sử dụng Quỹ chi hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích, hỗ trợ thiết bị đầu cuối, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nội dung này có thể trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước (NSNN) nếu đối tượng được hỗ trợ là tổ chức đang sử dụng kinh phí ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách, như: đồn biên phòng, nhà văn hóa xã, trung tâm cụm xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… bởi trong kinh phí hoạt động của các đơn vị này đã bao gồm chi phí dịch vụ viễn thông. Do vậy, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ đối tượng được hỗ trợ để không bị trùng lặp; có thể là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc sống ở vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Tương tự, về quy định nội dung chi quản lý hoạt động viễn thông công ích và chi cho hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích tại điểm d khoản 4 Điều 32 Dự thảo Luật, Bộ Tài chính cho rằng, quy định như Dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu là chi quản lý hoạt động viễn thông công ích nói chung (bao gồm cả nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông từ trung ương đến địa phương) cũng được hỗ trợ từ Quỹ; khi đó sẽ trùng với nhiệm vụ chi NSNN. Do vậy, để đảm bảo không trùng lặp với NSNN và thực hiện thống nhất, Bộ Tài chính đề nghị tách quy định này thành 02 điểm riêng.

Đặc biệt, qua rà soát nội dung của Dự Luật Viễn thông với các Quyết định phê duyệt 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 cho thấy, có sự trùng nhau về mục tiêu và đối tượng, phạm vi hỗ trợ giữa CTMTQG giảm nghèo bền vững và Luật Viễn thông (hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông.

Ngoài ra, có sự trùng nhau về các nội dung hỗ trợ tại Luật Viễn thông và CTMTQG giảm nghèo bền vững (như hỗ trợ phát triển, nâng cấp, duy trì cơ sở hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại các khu vực miền núi, biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích…) và CTMTQG Xây dựng nông thôn mới như: phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở.

      Khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ là khoản thu có tính chất bắt buộc và mang tính chất tương tự như thuế, để bổ sung doanh thu đối với các doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, nhiệm vụ chi của Quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi của NSNN như chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ viễn thông công ích, chi thực hiện một số dự án công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông. Do đó, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc quản lý Quỹ, cơ chế thu chi, đối tượng chi, cách vận hành Quỹ một cách rõ ràng, minh bạch.

Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước)

Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát và thuyết minh bổ sung về đối tượng, phạm vi, nội dung chi giữa các Chương trình, đề án đang triển khai và các nội dung tại Dự thảo Luật để đảm bảo không trùng lặp.

Trước đó, qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng tán thành về sự cần thiết duy trì hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần có những quy định nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động của Quỹ như: chưa đảm bảo tính liên tục trong hỗ trợ cung cấp dịch vụ; chưa đảm bảo cân đối thu, chi; còn tồn dư Quỹ lớn; một số nhiệm vụ không thực hiện được… Các đại biểu đề nghị trong thời gian tới, các chương trình viễn thông công ích phải xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của Quỹ, có quy định đóng góp và giải ngân theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, tránh tồn dư Quỹ…/.

 Năm 2020, qua kiểm toán hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ, Quỹ có số dư rất lớn nhưng chưa có phương án sử dụng. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông đến năm 2020 còn dư đến 31/12/2019 là 7.165,2 tỷ đồng, ước tính đến hết năm 2020 là 5.676,2 tỷ đồng; tại Ban Quản lý Chương trình, kinh phí hoạt động không thường xuyên được giao nhưng không sử dụng 2,7 tỷ đồng, Quỹ phát triển sự nghiệp không sử dụng đến 31/12/2018 là 23,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kết quả Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích Quỹ Viễn thông công ích thực hiện rất hạn chế, khó đạt mục tiêu đề ra. Số thu của Quỹ đã vượt mức kinh phí được phê duyệt (kinh phí được duyệt là 7.300 tỷ đồng; số đã thu được 7.940.1 tỷ đồng) nhưng số giải ngân chỉ đạt 11,2%; các dự án thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng không triển khai được; sản lượng thực hiện và kinh phí giải ngân cho hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích rất thấp, chỉ đạt 8,2%.

Cùng chuyên mục
Quy định rõ cơ chế hoạt động, đối tượng thụ hưởng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích