Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc dự kiến có hiệu lực từ 01/10/2024

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của Luật Đường bộ.

Sáng 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đường bộ.

cc.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho đầu tư các tuyến đường bộ

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng về chính sách phát triển đường cao tốc; đầu tư, xây dựng, mở rộng, nâng cấp đường cao tốc; phí sử dụng đường cao tốc; trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe; trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc; chi phí thực hiện quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì đường cao tốc...

Về ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với đường cao tốc, UBTVQH đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phù hợp thẩm quyền.

Đối với quy định về mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ.

toi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Liên quan đến quy định về quy định thu phí sử dụng đường cao tốc, UBTVQH đề nghị cho giữ nội dung này như Dự thảo Chính phủ trình nhằm tạo nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn.

UBTVQH cũng đề nghị các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của Luật này.

Cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô

Góp ý để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP.Hà Nội) bày tỏ nhất trí việc Dự thảo Luật đề xuất sửa phí sử dụng đường bộ thành phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô và bổ sung thêm phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác; để bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và phạm vi chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng đường bộ.

Bên cạnh đó, đại biểu Thủy đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định. Theo đại biểu, quy định này “một mặt hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị; mặt khác bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị”.

thuy.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu, hiện cả 5 thành phố trực thuộc trung ương đều đã được phép thí điểm quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Một số thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt.

“Nếu Luật Đường bộ và Luật Phí và lệ phí có quyết định chính thức về loại phí này đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về phạm vi, địa bàn, đối tượng và mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai ở các địa phương, góp phần giải quyết phần nào các vấn đề bức xúc hiện nay tại các đô thị lớn” - đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định về dịch vụ bến xe, trạm dừng nghỉ, Dự thảo Luật quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào loại bến xe ô tô để định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô theo quy định của pháp luật về giá".

Theo đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP. Hải Phòng), hiện nay, các bến xe có nhiều hình thức sở hữu nhưng đa số là được hình thành theo Luật Doanh nghiệp do tư nhân đầu tư hoặc được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước. Việc Nhà nước định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe khách chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây khi các bến xe đều thuộc sở hữu Nhà nước. Nếu các bến xe không được linh hoạt, chủ động nghiên cứu thị trường để đầu tư, nâng cấp, tổ chức các dịch vụ có chất lượng cao thì không thể thu hút được hành khách vào bến, làm gia tăng tình trạng xe dù, bến cóc, gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Đại biểu cho rằng, vấn đề mà các đơn vị kinh doanh hành khách theo tuyến cố định quan tâm nhất hiện nay là làm sao thu hút được hành khách vào bến, giảm bớt xe dù bến cóc, chứ không phải để tình trạng này gia tăng. Mặt khác, quy chuẩn bến xe chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hành khách.

“Thực tế, tình trạng hành khách không vào bến xe mà đứng ngoài đường gần các bến xe để đón xe hoặc hẹn lái xe ra đón ngày càng gia tăng. Tình trạng đó có nguyên nhân chính là bến xe chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng dịch vụ đối với hành khách. Vì vậy, cần để các bến xe căn cứ vào chất lượng dịch vụ của mình để công bố giá dịch vụ xe ra, vào bến” - đại biểu Lã Thanh Tân nói và đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý quy định này cho phù hợp.

Cùng chuyên mục
Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc dự kiến có hiệu lực từ 01/10/2024