Trình Quốc hội phương án cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

(BKTO) - Tại Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra sáng 19/5, đại diện các cơ quan của Quốc hội đã thông tin một số vấn đề báo chí, dư luận quan tâm liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…

2451796dcdc16c9f35d0.jpg
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên về vấn đề quản lý thị trường vàng. Ảnh: Q. KHÁNH

Khẩn trương rà soát tổng thể chính sách quản lý thị trường vàng

Trước diễn biến bất thường của thị trường vàng vừa qua, trao đổi tại Họp báo, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong vai trò tham mưu, thẩm tra báo cáo về kinh tế - xã hội đã thảo luận rất kỹ và kiến nghị Chính phủ việc quản lý thị trường vàng là một trong 9 nhóm vấn đề cần đặc biệt quan tâm điều hành trong thời gian tới đây.

Trong đó, về mặt giải pháp, Ủy ban Kinh tế lưu ý cần quan tâm đến hai nhóm giải pháp. Giải pháp trước mắt là cần bám sát và có sự điều hành phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, vấn đề căn cơ vẫn là thể chế chính sách. Vì vậy, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát tổng thể về cơ chế chính sách về quản lý thị trường vàng, từ đó có điều chỉnh, sửa đổi kịp thời về phương thức, cách thức quản lý. Đây là giải pháp có tính chất dài hạn.

Liên quan đến Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thông tin tại Họp báo, ông Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật) cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản giải trình tiếp, thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội đối với Dự án Luật này để trình ra Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua.

65d76eebda477b192256.jpg
Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trao đổi tại Họp báo. Ảnh: Q. KHÁNH

Theo đó, liên quan đến quy định về nồng độ cồn được đại biểu cũng như dư luận rất quan tâm và vẫn còn ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã rất cẩn thận, kỹ lưỡng, nghiên cứu các ý kiến, tổ chức nhiều hội thảo toạ đàm lấy ý kiến chuyên gia. Chính phủ cũng đã có văn bản nêu quan điểm, có phân tích, đánh giá cụ thể.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tham mưu thiết kế 2 phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

“Trong quá trình xin ý kiến, số lượng ý kiến đồng tình hướng cấm tuyệt đối lái xe nồng độ cồn nhiều hơn ý kiến khác. Do đó, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rất rõ quan điểm về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án. Trình ra Quốc hội tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định chọn phương án cấm tuyệt đối” - ông Trịnh Xuân An thông tin.

Cũng theo ông Trịnh Xuân An, lâu nay hay nói quy định nồng độ cồn hiện hành là có ngưỡng nhưng thực tế Luật Giao thông đường bộ hiện hành cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người lái xe ô tô, mô tô chuyên dụng.

“Cái này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học và đặc biệt rà soát rất kỹ lưỡng, đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cấm tuyệt đối nên Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đề nghị phương án này” - ông Trịnh Xuân An nói.

Bảo đảm quyền lợi tối ưu cho người lao động trước và sau cải cách tiền lương

Trao đổi tại Họp báo Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho biết, đây là Dự án Luật khó, phức tạp, tác động đông đảo người lao động. Ủy ban Xã hội đã tiến hành lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là về vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

908617c7a36b02355b7a.jpg
Ông Lâm Văn Đoan -  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm trao đổi về vấn đề tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: Q. KHÁNH

Về căn cứ đóng BHXH và bình quân tiền lương đóng BHXH, theo ông Lâm Văn Đoan, đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới cải cách tiền lương. Hiện nay Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Chúng tôi đang căn cứ theo đề xuất của Chính phủ để tính toán mức điều chỉnh trong Luật BHXH làm sao đảm bảo quyền lợi tối ưu cho người lao động trước và sau cải cách tiền lương, không có sự giãn cách quá xa giữa người đang hưởng mức tiền lương mới nghỉ hưu với người nghỉ hưu trước 01/7/2024. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi cần phải có sự nghiên cứu thận trọng, Ủy ban Xã hội đang phối hợp với các cơ quan để tiếp tục nghiên cứu, để trình Quốc hội phương án tối ưu nhất” - ông Đoan nói.
Về đề xuất mức tham chiếu tính BHXH thay cho mức lương cơ sở đóng BHXH, ông Lâm Văn Đoan nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở - mức lương đã được sử dụng làm căn cứ đóng BHXH, tính hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội và nhiều chính sách khác. Đến 01/7/2024 mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ và Chính phủ đề xuất sử dụng mức tham chiếu tính BHXH.
Về mức tham chiếu cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang tính toán các phướng án phù hợp để làm sao mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở và các cơ quan Quốc hội cũng đang tiến hành xem xét hoàn thiện vấn đề này. Do đây là vấn đề tác động lớn tới người lao động, người nghỉ hưu nên việc tính mức tham chiếu cần được tính toán chặt chẽ.

Cùng chuyên mục
  • Quy định về điều tra cơ bản tài nguyên nước
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; trong đó quy định rõ về điều tra cơ bản tài nguyên nước.
  • Chính phủ thông qua Đề nghị Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Ngày 17/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15.
  • Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trong đó dành riêng Chương III quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
  • Cần thiết phải cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia giảm 25%, giảm 50% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
  • Doanh nghiệp lo gánh thêm khó khăn mới
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý để tổng hợp, trình Chính phủ các phương án xử lý khi bãi bỏ điểm c, khoản 1, Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng đề xuất chưa nên thay đổi quy định trên vì lo ngại gây thêm khó khăn mới cho doanh nghiệp.
Trình Quốc hội phương án cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn