Quyết liệt triển khai chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội

(BKTO) - Quý I/2022, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy vậy, khó khăn, thách thức còn nhiều đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt triển khai Chương trình phòng chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.



                
   

Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu Chính phủ. Ảnh: Chính phủ

   

Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi

Tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 05/4,Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam đạt độ bao phủ vaccine rất cao, các biện pháp y tế được coi trọng, đẩy mạnh toàn diện, nhờ đó, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3. Chúng ta đã mở cửa trở lại nền kinh tế, du lịch và tiếp tục mở cửa trường học an toàn.

Tăng trưởng kinh tế phục hồi ở hầu hết các địa phương, một số địa phương tăng trưởng GRDP trên 10% như: Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Hải Phòng… Tăng trưởng có được cả ở phía cung (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) và cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu).

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát dù sức ép rất lớn, thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định trong khi xu thế thế giới tăng lãi suất. Điều này cho thấy quyết tâm lãnh đạo chỉ đạo, điều hành hỗ trợ DN và phục hồi, phát triển kinh tế.

Các cân đối lớn được bảo đảm và có dư (thu ngân sách đủ chi và vượt dự toán 33%, xuất đủ nhập và xuất siêu 809 triệu USD, cân đối lớn về điện được bảo đảm, lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định và có xuất khẩu tăng trưởng khá, thị trường lao động phục hồi rất nhanh).

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%, đây là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 đến nay. Vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,63 tỷ USD, tăng 102,6% so cùng kỳ năm trước.

Phát triển DN khởi sắc với gần 60.000 DN đăng ký mới và tái gia nhập thị trường. Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó, tháng 3 tăng 9,4%. Khách quốc tế đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ…

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biễn dịch bệnh còn phức tạp. Áp lực lạm phát tăng cao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nợ xấu có nguy cơ tăng. Thị trường bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu DN tiềm ẩn rủi ro. Số DN giải thể, tạm dừng hoạt động tăng…
                
   

Các địa phương tham dự tại các điểm cầu. Ảnh: Chính phủ

   

Đẩy mạnh tốc độ phục hồi trong các lĩnh vực

Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện trong quý II/2022:

Tập trung, quyết liệt triển khai Chương trình phòng chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới…

Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tiếp tục xử lý, cơ cấu lại các DN, dự án, tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh tốc độ phục hồi trong các lĩnh vực, nhất là du lịch trong tình hình mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho du khách.

Đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26. Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ hoàn thành quy hoạch điện VIII, một số văn bản pháp lý liên quan tới định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Tiếp tục coi trọng công tác phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, an toàn. Khẩn trương tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi và tiêm vét với trẻ em từ 12-17 tuổi và các đối tượng chỉ định, sẵn sàng kịch bản để chủ động ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra.

Các địa phương chủ động, phối hợp với các cơ quan Trung ương bảo đảm cung cầu lao động. Đẩy mạnh công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

Nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu DN, môi trường, xăng dầu... rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.

Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác và quản lý các mỏ nguyên vật liệu, xử lý kịp thời, phù hợp vấn đề giá nguyên vật liệu. Chủ động phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cũng tập trung cho công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ theo nguồn lực từng giai đoạn./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Quyết liệt triển khai chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội