Đánh giá đầy đủ về các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn
Tại tọa đàm “Dự toán NSNN năm 2022 - Khả năng đáp ứng mục tiêu về An sinh xã hội” do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tếvà Chiến lược Việt Nam (VESS) phối hợp tổ chức ngày 05/11, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp huy động và sử dụng NSNN để đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội năm 2022, đặc biệt là các hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Đại biểu trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: CDI |
Đánh giá về Báo cáo Dự toán NSNN năm 2022, các đại biểu cho biết, việc công bố thông tin trong Báo cáo đã cởi mở và được sắp xếp khoa học, với những thông tin đánh giá, dự báo được đưa ra tương đối sát với diễn biến dịch bệnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay.
Về thu NSNN, dự toán thu NSNN năm 2022 đã thận trọng hơn khi dự báo tổng thu cân đối NSNN 2022 chỉ tăng so với ước thực hiện 2021 là 3,4 %. Các khoản thu chính được dự toán với sự thận trọng khi thu từ sử dụng đất giảm so 4 % so với cùng kỳ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 5,1% so với số ước thực hiện 2021 và số thu từ dầu thô giảm đi. Trong trường hợp dự kiến thu NSNN không tăng thu như kế hoạch hoặc nhu cầu chi tăng mạnh thì cần có kịch bản và biện pháp để xử lý.
Về chi NSNN, dự toán chi NSNN năm 2022 đã cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh dù còn chưa thực sự rõ nét. Chi thường xuyên tăng 5,1% so với dự toán năm 2021 với tăng chi cho một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới là cần thiết và hợp lý.
“Ngoài ra, việc điều chỉnh lại tỷ lệ phân chia NSNN của một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội là cần thiết khi bối cảnh dịch bệnh đặt ra nhu cầu về chi NSNN rất lớn” - Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VESS cho biết; đồng thời đề nghị cần bổ sungthông tin chi tiết về việc ban hành và triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
PGS,TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) nhận định: Dự thảo NSNN 2022 không chi tiết về chi đầu tư như chi thường xuyên vì vậy rất khó đánh giá liệu NSNN có đủ đảm bảo tỷ lệ chi cho các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục… như yêu cầu của quy định hiện hành. “Cần có sự nhất quán trong các chỉ tiêu dự toán NSNN qua các năm, nếu có thay đổi cần phải được giải thích đầy đủ. Đồng thời, rất cần có phân tích đánh giá kỹ hơn về chi NSNN 2022, nhất là chi hỗ trợ DN và người dân vượt qua đại dịch.” - PGS,TS. Vũ Sỹ Cường lưu ý.
Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới cần tiếp tục hướng tới những đối tượng khó khăn, nhất là người lao động di cư tại các đô thị chịu ảnh hưởng dịch nặng nề khiến họ phải mất việc hoặc ngừng việc.
“Có một nghịch lý cần lưu ý là, những tỉnh nghèo nhất thường đồng thời có nhiều người di cư nhất, thì lại là những tỉnh cần chi tiêu nhiều nhất trong việc hỗ trợ người lao động di cư trở về. Chính vì thế, cần có sự phân bổ ngân sách cho các tỉnh khó khăn nhất theo một cơ chế đặc biệt và có giám sát chặt chẽ sự chấp hành” – TS. Nguyễn Đức Thành đề xuất.
Cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: N.LỘC |
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng của Covid-19 qua các chính sách như Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP…, song các đại biểu cho rằng đời sống của người dân vẫn còn rất khó khăn, do bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Ông Nguyễn Quang Thương - Quyền Giám đốc điều hành CDI đề xuất tăng mức hỗ trợ cho bằng tiền mặt cho người dân, qua đó kích cầu, góp phần hoàn thành mục tiêu NSNN năm 2022.
Cùng chung ý kiến, Ths. Phạm Minh Thu (Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thươngbinh và Xã hội) đề xuất, cần tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn, thực hiện càng sớm càng tốt và tiếp cận theo hướng ưu tiên các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có trẻ em, người già, người khuyết tật… Mức hỗ trợ tiền mặt phải đạt “mức sống tối thiểu” và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly, giãn cách cộng đồng.
Để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cao cấp chương trình Quản trị tốt, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên quy định mức phân bổ ngân sách tối thiểu cho an sinh xã hội (có thể từ 6-10% GDP) và tăng chi từ NSNN cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, để người lao động tự do có đầy đủ các quyền lợi tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc.