Rà soát, hoàn thiện Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015

(BKTO) - Chiều 13/7, tại Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 (Ban Chỉ đạo) - đã chủ trì Hội nghị cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015.



Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Đoàn Xuân Tiên, Đặng Thế Vinh; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo và một số công chức của Vụ Pháp chế - thường trực Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Quyền Vụ trưởng Vụ pháp chế Lê Anh Dũng đã báo cáo Ban Chỉ đạo Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.

Theo ông Lê Anh Dũng, Luật KTNN năm 2015 đã thể chế hoá quy định Điều 118 của Hiến pháp, là văn bản pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của KTNN, đảm bảo thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, thực tiễn tổng kết 3 năm thi hành Luật KTNN năm 2015 cho thấy, nhiều vấn đề mới phát sinh cần giải quyết, một số quy định của Luật bộc lộ những bất hợp lý cần phải được xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN như: nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chưa tương xứng với vị trí, chức năng được giao; phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN.

Quang cảnh Hội nghị-Ảnh: Nguyễn Hồng

Một số quy định của Luật cần phải được quy định chi tiết, cụ thể hơn như: nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước… Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật KTNN với các luật có liên quan như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Giám định tư pháp, Luật Tố cáo…

Trong tổ chức thực hiện pháp luật, tình trạng nhận thức và áp dụng chưa thống nhất vẫn còn nên không tránh khỏi khó khăn khi tiến hành các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung, của KTNN nói riêng.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 sẽ góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước; làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trên cơ sở Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, tại Hội nghị, các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, góp ý vào Đề cương Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Đa số các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 cần kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật KTNN hiện hành, chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề cần thiết, bức xúc phát sinh trong thực tiễn như: bổ sung, làm rõ phạm vi, đối tượng, nhiệm vụ của KTNN; quy định đầy đủ đơn vị được kiểm toán bảo đảm bao quát hết nhiệm vụ của KTNN đối với việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài chính công, tài sản công; khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và tổ chức cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước…

Kết luận Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá, dưới những góc nhìn khác nhau, ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo rất phong phú, xác đáng và là cơ sở để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 cho phù hợp.

Đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề cần thiết, bức xúc hiện nay, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nhấn mạnh những nội dung cần tập trung sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, về đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán, cần bổ sung vào Luật việc kiểm toán thuế, đất đai, khoáng sản. Trong đó, cần nêu rõ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để KTNN kiểm toán các vấn đề này, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định về trách nhiệm cung cấp dữ liệu điện tử, quyền truy cập dữ liệu điện tử phục vụ công tác kiểm toán.

Về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị sửa Luật theo hướng giao Chính phủ ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Để giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của KTNN với cơ quan thanh tra, kiểm tra khác, Luật cần sửa theo hướng bổ sung quy định KTNN chủ động phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra khi lập kế hoạch kiểm toán báo cáo Quốc hội. Đối với quy định về thời hạn kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán, kế thừa quy định của Luật hiện hành song cần sửa đổi quy định theo hướng thời hạn đó là ngày thực tế làm việc.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng tán thành với đề xuất sửa đổi tên gọi KTNN chuyên ngành thành Vụ Kiểm toán chuyên ngành, KTNN khu vực thành Cục Kiểm toán khu vực; giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị.

Cùng với đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu, sửa đổi Luật lần này cần bổ sung các quy định về nhiệm vụ giám định tư pháp của KTNN; kiểm soát chất lượng kiểm toán; quy định về quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm toán; ban hành thông tư liên tịch với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để quy định việc phối hợp thực hiện những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Từ những vấn đề trọng tâm trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Vụ Pháp chế tiếp tục rà soát, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, gửi lãnh đạo KTNN và các thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu, góp ý để hoàn thiện trước khi gửi xin ý kiến Chính phủ.


Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Rà soát, hoàn thiện Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015